Chỉ báo ADX trong chứng khoán được phát triển bởi Welles Wilder vào năm 1978. Nó là một chỉ báo kỹ thuật được dùng để xác định xu hướng của thị trường trong một khoảng thời gian nhất định (hay được dùng nhất là 14 ngày).
Qua bài viết này, bạn đọc hiểu được chỉ báo ADX là gì? Công thức và các thành phần cấu tạo nên chỉ báo này, ngoài ra mình cũng sẽ hướng dẫn các bạn sử dụng chỉ báo này để nhận định xu hướng của chỉ số giá hoặc cổ phiếu.
Chỉ báo ADX là gì?
Chỉ báo ADX (tiếng Anh: Average Directional Index), còn được gọi là Chỉ báo định hướng trung bình. Nó được dùng để đo lường sức mạnh của một xu hướng. Chỉ báo ADX bao gồm 3 thành phần chính là đường ADX, +DI và -DI. Dựa vào vị trí tương quan của 3 đường này mà biểu thị độ mạnh yếu của thị trường. Cách sử dụng chi tiết mình sẽ nói ở phần sau nhé.
Công thức tính chỉ số ADX
Để tính được chỉ số ADX thì chúng ta phải thực hiện một chuỗi các phép tính vì trong chỉ báo này có nhiều đường khác nhau.

Công thức tính của chỉ báo ADX được xem là khá phức tạp, giống như các chỉ báo phân tích kỹ thuật khác của Wilder. Tuy nhiên, hiện nay, chỉ báo này đã có sẵn trên hầu hết nền tảng phân tích chứng khoán.
Theo mình thì việc xem công thức chỉ để cho bạn hiểu khái quát cách vận hành của chỉ số, không nên quá quan trọng việc tính toán. Thay vào đó bạn chỉ cần cài đặt trên các nền tảng phân tích và hiểu thông điệp mà chỉ báo ADX muốn thể hiện là đủ.
Thành phần cấu tạo của chỉ báo ADX.
Chỉ báo ADX gồm 3 thành phần cấu thành với công thức tính như ở phần trên và ý nghĩa khác nhau. Cụ thể:
- Đường ADX thường được tính toán trong khoảng thời gian 14 ngày. Giá trị dao động từ 0-100.
- Đường +DI màu xanh lá đo sức mạnh của xu hướng tăng.
- Đường -DI màu đỏ đo sức mạnh của xu hướng giảm
Trong khi đường ADX có vai trò phát tín hiệu cho một xu hướng mới, trong khi 2 đường +DI và -DI có chức năng đo lương lực mua và lực bán trên thị trường.
Cách sử dụng chỉ báo ADX.
Cách cài đặt trong các nền tảng phân tích đồ thị.
Các bạn vào phần chọn chỉ báo như trong hình và gõ cụm từ “DMI” (Chỉ số chuyển động định hướng). Chúng ta sẽ có một dải gồm nhiều đường chỉ báo ở dưới cùng của màn hình.

Ấn vào phần cài đặt chỉ báo, chúng ta có thể thấy các tùy chọn liên quan đến ADX và các đường liên quan.

Cách sử dụng.
Để sử dụng chỉ báo ADX một cách tốt nhất, bạn nên xem xét các yếu tố liên quan đến ý nghĩa của các đường trong hệ thống chỉ báo này. Cụ thể:
Xem xét biến động của đường ADX.
Chỉ báo ADX được biểu thị ở dạng line và dao động trong khoảng giá trị từ 0-100. Sức mạnh của xu hướng được biểu thị định lượng như sau:
- Từ 0-25: Không rõ xu hướng hoặc xu hướng yếu.
- Từ 25-50: Xu hướng mạnh.
- Từ 50-75: Xu hướng rất mạnh.
- Từ 75-100: Xu hướng cực kỳ manh.
Theo thống kê và kinh nghiệm giao dịch thì khi chỉ báo ADX nằm trong vùng 0-20 tức là thị trường đang không có xu hướng. Nếu chỉ báo dịch chuyển lên vùng 20-25 thì rất có thể đang hình thành một xu hướng mới. Chúng ta cần theo dõi sát để sẵn sàng tham gia khi có tín hiệu xác nhận chỉ báo vượt mốc 25. Và cũng chỉ nên tham gia khi ADX vượt 25 vì khi đó thị trường đã có xu hướng rõ ràng và tránh được tín hiệu nhiễu trong vùng đi ngang.
Xem xét vị trí tương đối của +DI và -DI
Bạn có thể cân nhắc mở vị thế mua khi chỉ báo ADX nằm trên vùng 25 và +DI nằm trên -DI. Nếu đường +DI nằm trên đường –DI thể hiện rằng thị trường đang trong xu hướng tăng.
Và khi ADX nằm trên 25 và -DI nằm trên +DI thì chiến lược hành động được ưu tiên nên là bán. Nếu đường -DI nằm trên đường +DI thể hiện rằng thị trường đang trong xu hướng giảm.
Xem xét sự phân kỳ giữa đường giá và đường ADX.
Nối 2 đỉnh gần nhất của đường giá tạo thành đường thẳng 1. Nối 2 điểm tương ứng của đường ADX tạo thành đường thẳng 2. Nhìn từ trái qua phải theo màn hình của bạn, nếu 2 đường thẳng 1 và 2 tạo thành 1 góc tù thì đó là tín hiệu phân kỳ báo hiệu xu hướng tăng đang suy yếu vào có thể tạo đỉnh trong thời gian sớm.

Ngược lại, nối 2 đáy gần nhau của đường giá tạo thành đường thẳng 1. Đồng thời nối 2 điểm tương ứng trên đường ADX tạo thành đường thẳng 2. Nếu 2 đường thẳng này tạo thành góc nhọn thì đó là tín hiệu phân kỳ ngược, báo hiệu xu hướng giảm đang suy yếu và có thể tạo đáy.

Xem xét xu hướng trong nhiều khung thời gian.
Việc xem xét đa khung thời gian rất quan trọng khi sử dụng chỉ báo ADX hay bất kỳ chỉ báo Phân tích kỹ thuật nào. Chẳng hạn, nếu xu hướng trung hạn thể hiện qua khung thời gian 1W là tăng thì xu hướng giảm ở khung 1D rất có thể chỉ là điểm dừng nghỉ.
Kết hợp với các chỉ báo khác.
Chỉ báo ADX không phải là một chỉ báo độc lập, bạn nên cân nhắc sử dụng cùng với các chỉ báo phân tích kỹ thuật khác để đạt được hiệu quả cao nhất.
Trên đây là toàn bộ bài viết trình bày về chỉ báo ADX trong trường phái Phân tích kỹ thuật. Nếu bạn có vấn đề gì cần hỗ trợ giải đáp thì có thể liên hệ trực tiếp mình hoặc để lại lời nhắn qua google form tại đây nhé.
Có thể bạn muốn đọc thêm: