Chỉ báo RSI (Chỉ báo sức mạnh tương đối – Relative Strength Index) là một chỉ báo quan trọng của trường phái phân tích kỹ thuật trong chứng khoán. Đây là chỉ báo động lượng được phát minh bởi J.Welles Wilder vào năm 1978 trong tác phẩm “New Concepts in Technical Trading Systems”. Sau đó năm 2007, tác giả Walter J. Baeyens đã xuất bản một ấn phẩm cực hay về chỉ báo này mang tên “RSI: Logic, Signals & Time Frame Correlation” tải sách tại đây.
Bài viết này nhằm giúp bạn đọc có thể hiểu được bản chất và cách sử dụng chính xác Chỉ số RSI trong chứng khoán.
Chỉ số RSI là gì?
Chỉ số RSI là chỉ báo đo lường mức độ thay đổi giá trong quá khứ và hiện tại của 1 mã cổ phiếu hoặc chỉ số giá thị trường dựa trên giá đóng cửa của chúng. Khoảng thời gian thường mặc định là 14 ngày. Đường RSI tỏ ra hiệu quả trong việc đánh giá tình trạng “quá mua” hoặc “quá bán” của một cổ phiếu hoặc thị trường. Từ đó nhà đầu tư có thể đưa ra những quyết định giao dịch tốt hơn.
Công thức tính RSI.
Khung dao động của RSI biến thiên từ 0 – 100. Nhưng thông thường chỉ báo RSI sẽ không đạt được 2 mức cực hạn này. Để lý giải tại sao, chúng ta hãy xét công thức tính RSI.
Ta có công thức tính RSI (14) như sau:
RSI = 100 – [100/(1 + RS)]
Trong đó:
RS (Relative Strength) = Average Up / Average Down
Average Up được tính bằng cách lấy trung bình các giá đóng cửa của các phiên tăng trong 14 phiên.
Average Down được tính bằng cách lấy trung bình các giá đóng cửa của các phiên giảm trong 14 phiên.
Hiện nay, trong tất cả các nền tảng hỗ trợ giao dịch đều đã trang bị bộ lọc để tính các chỉ số trong đó có RSI. Bạn chỉ cần hiểu cách tính RSI và cách sử dụng đúng là được, không cần phải quá chi tiết cách tính.
Xác định vùng quá mua và vùng quá bán bằng chỉ báo RSI.
Thông thường người ta hay chọn mốc 30 và mốc 70 để làm cơ sở xác định vùng quá bán và vùng quá mua.
Vùng quá mua được hiểu là vùng mà giá cả của một cổ phiếu hoặc giá trị của một rổ chỉ số đã đạt đến mức quá cao. Nó tiềm ẩn rủi ro một sự điều chỉnh giảm để quay về đúng giá trị của nó. Khi chỉ báo RSI lớn hơn mức 70 được gọi là vùng quá mua.
Vùng quá bán được hiểu là vùng mà giá cả của một mã cổ phiếu hoặc giá trị của chỉ số đã rơi xuống mức quá thấp do bị bán tháo, kỳ vọng một sự đảo chiều tăng giá. Khi RSI nhỏ hơn mức 30 được xem là đã nằm trong vùng quá bán.
Tuy nhiên, không phải cứ giá vượt qua ngưỡng quá mua (>70) thì bạn đã nên bán cổ phiếu đi. Hoặc khi giá cổ phiếu vượt qua ngưỡng quá bán (<30) thì bạn đã nên mua vào.
Sẽ có một số mẫu hình của chỉ báo RSI hướng dẫn mua bán như sau.
Mua bán khi chỉ báo RSI thoát khỏi vùng quá bán hoặc quá mua.

Theo như lý thuyết này thì nhà đầu tư chỉ nên mua vào khi RSI vòng lên và cắt đường 30, tức là nó đã thoát khỏi vùng quá bán.
Tương tự, nhà đầu tư nên bán cổ phiếu khi chỉ báo RSI vòng xuống và cắt đường 70, tức là nó đã thoát khỏi vùng quá mua.
Mua bán bằng dựa trên sự phân kỳ của chỉ báo RSI so với đường giá.
Thông thường đường giá và đường tín hiệu sẽ có sự đồng điệu với nhau. Nhưng trong một số trường hợp, đường giá và đường tín hiệu sẽ có sự khác biệt.
Cụ thể là chúng không cùng tạo một đỉnh cao như nhau hoặc một đáy thấp như nhau. Trên cơ sở đó, lý thuyết phân kỳ chỉ báo RSI nâng cao sẽ đưa ra hai trường hợp lý giải.
Trường hợp RSI phân kỳ đảo chiều sang xu hướng giảm.

Theo hình trên, theo chiều từ trái qua phải, khi giá tạo 1 đỉnh cao hơn thì chỉ báo RSI cũng tạo một đỉnh cao mới. Nếu ta vẽ 2 đường thẳng nối 2 đỉnh như trong hình vẽ thì chúng sẽ là 2 đường thẳng song song. Tất nhiên là chúng ta không thể yêu cầu chúng song song theo kiểu hình học được.
Trong trường hợp thứ 2. Trong một số trường hợp, khi giá tạo một đỉnh cao mới, RSI cũng tạo một đỉnh mới nhưng vị trí tương đối lại thấp hơn nhiều so với đường giá. Nếu vẽ hai đường thẳng nối đỉnh thì chúng ta sẽ thấy sự phân kỳ giữa chúng.
Trong trường hợp nghiên cứu chỉ báo RSI chuyên sâu này, chúng ta có thể hiểu là sức mạnh tăng giá đã yếu đi đáng kế so với trước đó. Đây là tín hiệu giá sẽ đảo chiều sang xu hướng giảm. Nhà đầu tư nên cân nhắc bán ra.
Trường hợp RSI phân kỳ đảo chiều sang xu hướng tăng.

Tương tự như trường hợp chỉ báo RSI phân kỳ đảo chiều giảm. Trường hợp RSI đảo chiều tăng này, hai đường thẳng nối đỉnh của đường giá và đường chỉ báo RSI sẽ tạo thành phân kỳ nhưng theo hướng ngược lại. Để dễ nhớ thì các bạn gọi là “hội tụ” cũng được.
Trường hợp này chúng ta có thể hiểu áp lực giảm giá đã yếu đi đáng kể so với trước đó. Đây là tín hiệu giá sẽ đảo chiều sang xu hướng tăng. Nhà đầu tư nên cân nhắc mua vào.
Trên đây là toàn bộ bài viết trình bày về chỉ báo RSI trong chứng khoán. Nếu các bạn có vấn đề thắc mắc cần giải đáp thì có thể liên hệ trực tiếp hoặc để lại lời nhắn qua google form tại đây.