Bollinger Bands, một công cụ quen thuộc đối với những người thực hiện giao dịch dựa trên phân tích kỹ thuật, là một khái niệm không hề xa lạ. Được tạo ra bởi John Bollinger, nó được đánh giá cao vì là một công cụ hữu ích giúp nhà đầu tư phân tích biến động giá. Nhưng Bollinger Band là gì và làm thế nào để sử dụng nó một cách hiệu quả? Mời bạn đọc tham khảo bài viết của mình nhé.
Chỉ báo Bollinger Bands là gì?
Khái niệm.
Chỉ báo Bollinger Bands, thường được gọi là Dải Bollinger, là một công cụ phân tích kỹ thuật trong giao dịch chứng khoán, được hình thành từ sự kết hợp giữa đường trung bình động đơn giản (MA – Moving Average) và độ lệch chuẩn của giá. Cấu trúc của chỉ báo này bao gồm ba thành phần chính là Middle Band (đường giữa), Upper Band (Dải trên) và Lower Band (Dải dưới).

Công thức.
Đường Giữa (Middle Band): Đây là đường MA20.
Dải Trên (Upper Band): Được tính bằng cách lấy MA20 + 2 x độ lệch chuẩn.
Dải Dưới (Lower Band): Được tính bằng cách lấy MA20 – 2 x độ lệch chuẩn.
Trong đó, độ lệch chuẩn thể hiện sự chênh lệch về giá trị của từng thời điểm đánh giá so với giá trị trung bình. Thêm nữa, nó là một đại lượng để đo lường mức độ phân tán của dải dữ liệu.
Ở khung thời gian dài hạn có thể áp dụng chu kỳ dài hơn và độ lệch chuẩn cao hơn, trong khi ở khung thời gian ngắn hạn có thể điều chỉnh chu kỳ và độ lệch chuẩn xuống mức thấp hơn.
Dải Bollinger Band thể hiện điều gì?
Ở trong trạng thái bình thường, Dải Bollinger Bands được sử dụng để dự đoán xu hướng của thị trường sẽ tiếp tục hay là dừng lại. Chỉ báo này thể hiện sự ưu việt của mình trong việc dự báo thị trường sẽ sideway hay băt đầu tích lũy cho uptrend, là điều mà các chỉ báo khác như MACD hay RSI không làm được.
Ngoài ra, tùy theo hình thái mà dải Bollinger cũng thể hiện một vài ý nghĩa quan trọng, cụ thể:

Khi dải Bollinger Bands thu hẹp.
Bạn có thể quan sát ở hình minh họa trên, khi hình dáng của dải Bollinger thu hẹp giống như thắt nút cổ chai. Trong suốt giai đoạn này, giá cổ phiếu hoặc chỉ số dao động với biên độ nhỏ. Dải Bollinger hẹp là tín hiệu của một giai đoạn mà giá hoặc chỉ số biến động mạnh sắp xảy ra nhưng không thể hiện được chiều biến động là tăng hay giảm.
Khi dải Bollinger Bands mở rộng.
Khoảng 90% thời gian, giá cổ phiếu hoặc chỉ số sẽ biến động bám sát ở Dải trên và Dải dưới. Tuy nhiên khi thanh nến của đường giá cổ phiếu hoặc chỉ số bứt phá và xuyên thủng một trong 2 dải trên hoặc dười thì đó là tín hiệu của một đợt biến động mạnh của thị trường sắp diễn ra. Trong trường hợp này chúng ta cũng chưa thể kết luận xu hướng tiếp theo của thị trường sẽ là tăng hay giảm nếu chỉ dùng mình chỉ báo Bollinger.
Một số chiến lược giao dịch dựa trên Bollinger Bands.
Chiến lược mua dưới bán trên.
Phương pháp này cực kỳ đơn giản nếu không muốn nói là “thô sơ”. Theo chiến lược này thì nhà đầu cơ chỉ cần mua vào khi giá chạm vào Dải dưới và bán ra khi giá chạm vào Dải trên. Cách làm này có hiệu quả hơn khi thị trường đang ở trong trạng thái đi ngang.
Chiến lược Bollinger Bands Squeeze.
Chiến lược giao dịch này được đề xuất thực hiện khi dải Bollinger đang có hình dạng thu hẹp. Bạn có thể mua vào khi giá phá vỡ vùng tích lũy hẹp và xuyên qua Dải trên. Ngược lại, bạn có thể bán ra khi giá cũng phá vỡ vùng tích lũy hẹp và xuyên qua Dải dưới. Tuy nhiên, mức độ tin cậy của tín hiệu này không cao và cần phải kết hợp với các chỉ báo khác cũng như tình hình vĩ mô để có thêm cơ sở cho hành động.
Chiến lược Bollinger Bands phá vỡ.
Khi thanh nến giá phá vỡ Dải Trên , đồng thời các chỉ báo sức mạnh như RSI đang ở vùng quá mua thì bạn có thể cân nhắc bán ra. Khi thanh nến giá phá vỡ Dải Dưới, đồng thời RSI đang ở vùng quá bán, bạn có thể cân nhắc mua vào. Khi xem xét trường hợp này nên kết hợp xác định vùng kháng cự hoặc hỗ trợ của giá để có thêm cơ sở nhận định.
Một số nhận định về dải Bollinger.
Thứ nhất, cũng như các chỉ báo kỹ thuật khác, Bollinger Bands nên được sử dụng kết hợp với các công cụ khác để tạo ra hiệu quả cao nhất.
Thứ hai, dải Bollinger dựa trên đường trung bình động đơn giản và dải dữ liệu trong quá khứ, 3 dải trên dưới và giữa luôn thay đổi theo các động thái giá và không dự báo chúng. Bởi vậy, đây là một chỉ báo trễ (lagging indicator), bạn không nhận được tín hiệu giao dịch cho đến khi có diễn biến giá.
Kết luận: Bollinger Bands là một chỉ báo tương đối dễ sử dụng và có thể phát huy tác dụng trong một số trường hợp nhất định, đặc biệt là khi kết hợp với các công cụ PTKT khác và các yếu tố định giá, phân tích bối cảnh vĩ mô và ngành.
Trên đây là toàn bộ bài viết mình trình bày về chỉ báo Bollinger Bands. Nếu bạn có câu hỏi cần giải đáp thì có thể liên hệ trực tiếp hoặc để lại lời nhắn cho mình qua google form tại đây nhé.
Bài viết liên quan:
- Chỉ báo RSI trong phân tích kỹ thuật.
- Mô hình nến Nhật trong phân tích kỹ thuật.
- Giai đoạn tích lũy – Nhịp đầu tư chứng khoán (P1)
- Giai đoạn cao trào mua – Nhịp đầu tư chứng khoán (P2).
- Giai đoạn test cung – Nhịp đầu tư chứng khoán (P3)
- Giai đoạn phân phối – Nhịp đầu tư chứng khoán (P4).
- Giai đoạn cao trào bán – Nhịp đầu tư chứng khoán (P5)
- Giai đoạn test cầu – Nhịp đầu tư chứng khoán (P6).