Trong giai đoạn phân phối, thị trường diễn biến hoàn toàn ngược lại với giai đoạn tích lũy. Trong giai đoạn tích lũy, tạo lập gom hàng đầy danh mục của họ. Còn giai đoạn phân phối là lúc họ tiến hành bán sạch hàng để thu lợi nhuận. Vậy thì giai đoạn phân phối được hiểu như thế nào cho đúng? Cách thức diễn ra của giai đoạn này cũng như chiến lược hành động của nhà đầu tư nên là như thế nào? Các bạn cùng tham khảo bài viết nhé.
Giai đoạn phân phối là gì?
Tiếp nối quan điểm về thị trường mình đã trình bày trong những bài viết trước. Giai đoạn phân phối là bước thứ 4 trong một chu trình được gọi là “nhịp” trong đầu tư chứng khoán. Ở giai đoạn này là thời điểm mà các nhà tạo lập tiến hành bán ra lượng hàng họ đã tích lũy và thu lợi nhuận. Nhưng vì quy mô danh mục quá lớn so với thanh khoản toàn thị trường nên quá trình bán ra sẽ cần thời gian cũng cách thức thực hiện bài bản. Khoảng thời gian này gọi là giai đoạn phân phối cổ phiếu.
Nếu cảm xúc chủ đạo của đám đông khi có hiệu ứng “rung cây” trong giai đoạn tích lũy là sợ hãi, sợ mất mát, thì yếu tố cảm xúc chủ yếu được sử dụng trong giai đoạn phân phối lại là tham lam, là nỗi sợ bỏ lỡ một giao dịch tốt.
Yếu tố thời điểm rất quan trọng trong chiến dịch của các nhà tạo lập. Họ hiểu rằng hầu hết các nhà đầu tư cá nhân đang còn lo lắng và chưa thể lấy lại bình tĩnh sau nhịp bán tháo trước đó. Đám đông mong muốn thấy được càng nhiều tín hiệu xác nhận càng tốt, trước khi trở lại tham gia vào thị trường.
Và sau nhiều phiên tăng liên tục, giá cổ phiếu đã tăng khá nhiều thì đám đông sẽ fomo, họ sợ rằng sẽ bỏ lỡ một xu hướng lớn hơn. Đây là lý do tại sao hầu hết các nhà đầu tư cá nhân đều mua đỉnh và bán đáy.
Ở đỉnh của một xu hướng tăng, đám đông sau khi nhìn thấy thị trường tăng cao hơn một cách đều đặn, tích lũy rồi bứt tốc ở một vài phiên. Chính tại thời điểm này, họ hào hứng mua vào cùng với nỗi sợ bỏ lỡ một cơ hội kiếm được lợi nhuận nhanh chóng.
Đây cũng lại đúng là thời điểm mà các nhà tạo lập đang chuẩn bị dừng lại và đảo chiều xu hướng. Họ dọn sạch danh mục của mình, chuyển sang cho đám đông đang hào hứng.
Sau khi đã mua vào, đám đông có thể chưa cảm giác được sự mất mát. Họ lưỡng lự khi nhìn thấy thị trường giảm giá một cách chậm chạp. Họ nghĩ rằng thị trường đang điều chỉnh nhẹ trước khi tăng tiếp. Tuy nhiên sẽ có những tín hiệu chỉ ra rằng mọi việc không suôn sẻ như thế, mình sẽ đề cập ở phần sau của bài viết.
Nếu không có gì bất thường, sau khi danh mục của các nhà tạo lập đã được dọn sạch, giá cổ phiếu rơi xuống nhanh chóng. Điều này lại tiếp tục gây ra làn sóng bán tháo trong hoảng loạn. Thị trường sẽ được dẫn dắt để quay lại bước đầu tiên của chu trình – giai đoạn tích lũy.
Diễn biến của giai đoạn phân phối trong chứng khoán.

Thứ nhất, thị trường bứt phá từ cuối giai đoạn tích lũy, giá cổ phiếu tăng dần đều với khối lượng trung bình. Diễn biến tăng diễn ra chậm rãi vì các nhà tạo lập không có gì phải vội vã. Họ đã mua được hàng với giá bán buôn lúc đám đông hoảng loạn bán tháo. Bây giờ họ muốn tối đa hóa lợi nhuận bằng cách đẩy giá tăng giá từ từ. Mặt khác diễn biến này cũng là liệu pháp tâm lý để đám đông lấy lại bình tĩnh dần dần.
Thị trường tiếp tục tăng chậm rãi, rồi điều chỉnh chút ít. Dần dần thị trường bắt đầu lan tỏa đẩy nhanh tốc độ, chạy nước rút để chạm đến vùng giá mục tiêu.
Đến vùng giá mục tiêu, giai đoạn phân phối bắt đầu diễn ra một cách nghiêm túc. Các nhà tạo lập chuẩn bị dọn dẹp danh mục của họ (bán hết số hàng mà họ đã mua ở pha tích lũy). Phần lớn giai đoạn phân phối sẽ được thực hiện tại đỉnh xu hướng và ở mức giá cao nhất có thể.
Đây cũng là lúc các nhà đầu tư cá nhân háo hức nhảy vào thị trường với nỗi lo sợ bị bỏ lỡ (fomo). Dòng tin tốt vẫn tiếp tục xuất hiện, thị trường vẫn tiếp tục tăng và càng thu hút đám đông.
Phe tạo lập hiện có sẵn một danh mục với rất nhiều cổ phiếu để bán cho đối tượng được coi là nạn nhân trong thảm kịch này – những người hăng hái mua vào bất chấp số lượng, bất chấp giá cả, nhưng họ sẽ cẩn thận và không bao giờ bán quá mạnh tay.
Với cách kiểm soát được tính toán khéo léo như vậy, thị trường chỉ dao động với biên độ hẹp, thu hút được nhiều người mua hơn mỗi lần điều chỉnh. Cuối cùng, hàng trong danh mục cũng được đẩy đi sạch sẽ và chiến dịch phân phối hàng kết thúc.
Chiến lược hành động.
Trong hai giai đoạn phân phối và tích lũy, các nhà tạo lập thị trường chỉ đơn giản là đang thao túng hai yếu tố cảm xúc của đám đông: tham lam và sợ hãi.
Tạo ra đủ nỗi sợ, mọi người sẽ bán tháo trong hoảng loạn. Gợi ra đủ lòng tham, đám đông sẽ mua vào bất chấp. Tất cả đều rất đơn giản và logic, và các nhà tạo lập cần có công cụ đắc lực để mọi thứ đi theo đúng kế hoạch của họ – phương tiện truyền thông.
Chu kỳ tích lũy và phân phối này sau đó được lặp đi lặp lại không ngừng trên tất cả các khung thời gian. Một số có thể diễn ra trên quy mô lớn, một số khác lại nhỏ hơn, nhưng chúng luôn tồn tại.
Là một nhà đầu tư cá nhân, sức ảnh hưởng lên thị trường gần như không đáng kể. Chiến lược hành động khôn ngoan nhất có lẽ là ngồi chung mâm với tạo lập.
Nếu bạn đang cầm tiền, thì chỉ đơn giản là ngồi đợi đến giai đoạn tích lũy hoặc test cung. Nếu bạn đang cầm hàng, bất kể là đang có lãi hay lỗ thì cũng nên canh bán.
Trên đây là toàn bộ bài viết của mình về Giai đoạn phân phối – Nhịp đầu tư chứng khoán (P4). Nếu bạn có thắc mắc cần giải đáp thì có thể liên hệ trực tiếp hoặc để lại lời nhắn cho mình qua google form tại đây nhé.
Có thể bạn muốn đọc: