Nối tiếp Series bài viết “Nhịp đầu tư chứng khoán”, bài viết này mình sẽ hướng dẫn cách xác định thời điểm mua bán cổ phiếu.
Việc phân tích cơ bản để tìm ra mã cổ phiếu tốt là điều kiện cần. Còn việc tìm ra thời điểm mua bán hợp lý là điều kiện đủ để nhà đầu tư có thể tối ưu được thời gian và nguồn vốn.
Các khái niệm quan trọng.
Trước khi đi vào tìm hiểu phương pháp xác định thời điểm mua bán cổ phiếu theo dòng tiền thông minh, chúng ta cần phải làm rõ một số khái niệm cơ bản liên quan. Cụ thể như sau:
1 – Nhà tạo lập thị trường (Market Makers – MMS)
Nhà tạo lập thị trường là những nhà đầu tư hay nhóm nhà đầu tư tham gia giao dịch trên thị trường với số vốn khổng lồ và có ảnh hưởng đáng kể lên giá cổ phiếu trong những thời điểm nhất định. Market makers ngoài việc giao dịch kiếm lời còn có vai trò “tạo lập” để giữ cho giá cổ phiếu cân bằng và tạo ra thanh khoản cho thị trường. Cụ thể:
- Khi giá cổ phiếu bị tụt mạnh thì MMS sẽ mua hết lượng cổ phiếu đang bị bán tháo để ổn định tâm lý thị trường.
- Khi giá cổ phiếu tăng mạnh bất thường thì Nhà tạo lập sẽ bán cổ phiếu của họ để hạn chế sự hưng phấn quá mức của thị trường.

Ảnh: Xu hướng tăng dài hạn của cổ phiếu HPG và các dao động giá lên xuống trong ngắn hạn
Trong hình trên là biểu đồ mô tả giá của cổ phiếu HPG trong khoảng 9 tháng (từ 05/2020 – 02/2021). Ta có thể thấy xu hướng chung của giá cổ phiếu này là tăng, từ vùng giá 1x lên vùng giá 5x.
Tuy nhiên trong một xu hướng tăng như vậy, chúng ta có thể nhận thấy dạng biểu đồ hình sin, dao động lên xuống trong ngắn hạn. Chúng ta gọi đó là sóng, thứ mà làm cơ sở cho các nhà đầu tư ưa lướt sóng dựa vào để tìm kiếm thời điểm mua bán cổ phiếu phù hợp.
Như vậy, trong dài hạn thì giá cổ phiếu sẽ đi lên do tình hình kinh doanh của công ty tốt, giá trị nội tại của doanh nghiệp được gia tăng. Trong khi đó giá cổ phiếu sẽ lên xuống hằng ngày hoặc hằng tuần thì không theo quy luật như vậy. Sự dao động giá này bị ảnh hưởng đáng kể từ các nhà tạo lập thị trường. Đây chính là cơ sở căn bản để phát triển lý thuyết phương pháp xác định thời điểm mua bán cổ phiếu theo dòng tiền.
2 – Tay chơi lớn (Bigboys – BBS)
Tay chơi lớn trên thị trường chứng khoán được hiểu là các nhà đầu tư có số vốn cũng khá lớn. Khi họ giao dịch cũng ảnh hưởng tương đối mạnh lên giá thị trường. Tuy nhiên mức độ ảnh hưởng sẽ thấp hơn so với các nhà tạo lập. Thường thì ảnh hưởng của BBS chỉ tạo ra trong một vài phiên hoặc thời điểm nào đó trong ngày giao dịch.
Trong các văn bản pháp luật, sự hiện diện của các Nhà tạo lập thị trường được UBCKNN công nhận. Ngược lại, các Tay chơi lớn là khái niệm bất thành văn trong giới đầu tư.
Trên thực tế cũng không có một quy định nào thể hiện rằng với mức vốn bao nhiêu thì được gọi là MMS, bao nhiêu vốn thì được gọi là BBS. Chúng ta chỉ có thể nhận thấy sự hiện diện của họ theo mức độ ảnh hưởng lên thị trường mà thôi.
Nếu bạn tham gia vào các kênh thông tin hoặc diễn đàn cộng đồng, bạn sẽ bắt gặp các tên gọi mang ý nghĩa tiêu cực như: “Nhà Cái”, “Cá Mập”, “Lái”, “Tay to”, …. Đây là những tên gọi ám chỉ các Market Makers và BigBoys dùng các mánh lới nghiệp vụ để thao túng đám đông giữa hai thái cực tâm lý “tham lam và sợ hãi”.

Ảnh: Thông báo của UBCKNN về một vụ thao túng giá cổ phiếu.
Ảnh trên là một ví dụ về một trường hợp MMS, BBS bị UBCKNN tóm được do để lại dấu vết. Cụ thể, bà Nguyễn Thị Thanh Hương bị phạt 550 triệu đồng do thao túng giá cổ phiếu KGG.
Quan điểm nhìn nhận.
Nhìn chung, từ những mã cổ phiếu mang tính chất đầu tư giá trị dài hạn hay những mã đầu cơ thì đều có MMS và BBS. Vấn đề chỉ là họ dùng ưu thế của mình vào mục đích gì mà thôi.
Có 2 mục đích, một là ổn định thị trường để giá cả không dao động quá mạnh so với giá trị nội tại, hai là thao túng giá để trục lợi. Bạn sẽ cảm nhận sự hiện diện rõ rệt hơn của MMS và BBS khi mua bán các mã cổ phiếu có giá biến động mạnh.
Chúng ta phải chấp nhận một thực tế là các chủ thể như MMS hay BBS luôn tồn tại trên thị trường. Thường thì các chủ thể này sẽ có liên quan ít nhiều đến các cổ đông nội bộ trong công ty niêm yết đó. Đó có thể là người thân, họ hàng, bạn bè hoặc chính các lãnh đạo công ty đứng sau.
Nói chung phải có yếu tố “nội bộ” thì mới đủ động lực khiến các chủ thể trở thành nhóm “nhà cái” này. Còn nếu chỉ là người bình thường có vài chục tỷ hoặc vài trăm tỷ cũng sẽ rất khó để họ quyết định dùng tiền để thao túng một giá cổ phiếu nào đó. Hành động này sẽ cực kỳ mạo hiểm cả về mặt kinh tế lẫn pháp lý.
Một điều khá dễ hiểu là: Nếu một người hoặc nhóm người có kiến thức, có rất nhiều tiền và tin tức “tay trong” thì đương nhiên họ có lý do để tạo cho mình quyền lực điều khiển thị trường nhằm tối đa hóa lợi ích và tối thiểu hóa rủi ro.
Nói chung không chỉ thị trường chứng khoán mà cả những thị trường đầu tư khác cũng sẽ có những MMS và BBS như thế này. Nói chung là, thay vì cố gắng bài trừ họ (mà cũng khó có khả năng làm được), chúng ta nên tìm cách hiểu cơ chế hoạt động, cách thức và thời điểm mua bán cổ phiếu của họ để vận dụng vào quá trình đầu tư của mình thì sẽ tốt hơn.
3 – Nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Nhà đầu tư nhỏ lẻ là các nhà đầu tư cá nhân tham gia đầu tư chứng khoán với số vốn nhỏ. Đây cũng là số đông trên thị trường chứng khoán Việt Nam – tạm gọi là đám đông. Việc giao dịch riêng rẽ của họ không có tác động theo hướng có chủ đích đến giá cổ phiếu của một doanh nghiệp niêm yết trên thị trường. Đây là nhóm chủ thể phổ biến trên thị trường.
Quy mô thị trường càng lớn, nhà đầu tư nhỏ lẻ càng nhiều thì khả năng thao túng giá sẽ càng khó hơn. Lý do là vì MMS và BBS sẽ cần rất nhiều vốn và sử dụng thông tin càng phải chặt chẽ để có thể điều khiển được đám đông.

Ảnh: Điểm b và c, khoản 4, điều 2 thông tư 155/2015 – TT-BTC và khoản 2 điều 26 cùng văn bản. Link gốc tải: tại đây
Hình trên là tôi chụp 1 đoạn trong Thông tư 155 của Bộ Tài Chính – Quy định về đối tượng công bố thông tin trên thị trường chứng khoán. Theo đó, những người hoặc nhóm người có liên quan trực tiếp nếu mua vào và nắm giữ 5% công ty thì được xem là cổ đông lớn. Khi các đối tượng này mua bán qua ngưỡng 1% làm tròn (5%, 6%, 7%, …) thì phải công bố thông tin và báo cáo cho UBCKNN.
Đây là một văn bản chính thống quan trọng để phân biệt nhà đầu tư lớn với nhà đầu tư nhỏ. Nó cũng làm cơ sở cho các lập luận trong phương pháp lựa chọn thời điểm mua bán cổ phiếu trong bài viết này.
Tìm hiểu cách giao dịch của MMS và BBS.
Như đã trình bày ở trên, các nhà tạo lập và nhà đầu tư lớn là những đối tượng có rất nhiều tiền và có khả năng tiếp cận sớm với nguồn tin nội bộ. Vì vậy khi họ thực hiện giao dịch sẽ có ảnh hưởng đến giá cổ phiếu ở một mức độ nhất định. Thời điểm họ mua bán chính là thời điểm tham chiếu quan trọng để các nhà đầu tư nhỏ lẻ đưa ra quyết định phù hợp với danh mục đầu tư của mình.
Bởi MMS và BBS nắm giữ số vốn “khủng” so với phần còn lại trên thị trường nên quá trình mua bán cũng không hề đơn giản như các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Thường thì họ sẽ giao dịch theo 2 hướng sau:
- Họ giao dịch bằng nhiều lệnh nhỏ chia đều trong một khoảng thời gian nhất định. Cách giao dịch này có nhược điểm là cần thời gian và lịch trình đi nhiều lệnh. Nhưng ưu điểm của nó là khiến họ hòa vào đám đông đại chúng. Vì thế họ trở nên rất khó để nhận biết. Giai đoạn này còn được gọi là giai đoạn tích lũy của một mã cổ phiếu. Nếu chúng ta để ý kỹ các mốc thời gian trong quá khứ khi thấy giá cổ phiếu được đẩy lên từ từ. Nói chung nếu họ giao dịch theo cách này thì khá là khó để phát hiện ra.
- Hướng thứ 2 dễ cảm nhận thấy hơn. Đó là MMS và BBS đi nhiều lệnh mua bán lớn trong một hoặc vài phiên. Theo kinh nghiệm giao dịch thì những phiên như này sẽ làm giá cổ phiếu đảo chiều. Phán đoán này đặc biệt chính xác khi ước lượng được “cá mập” đã ra hết hàng hay đã gom đủ hàng. Tóm lại, dấu hiệu khối lượng giao dịch đột biến so với ngày thường và biến động giá đủ lớn là cơ sở rõ ràng nhất để nhận biết dòng tiền của MMS và BBS.
Một điểm lưu ý nữa là mục đích của các nhà tạo lập thị trường và nhà đầu tư lớn cũng chỉ là lợi nhuận. Họ muốn mua thấp bán cao hoặc mua cao và bán cao hơn. Để có thể thao túng thị trường một cách có vẻ hợp lý thì họ bắt buộc cũng phải dựa trên tình hình kinh tế chính trị và bản thân doanh nghiệp.
Nếu làm bừa bãi không đúng hướng thì sẽ mất rất nhiều chi phí mà thậm chí còn bị thua do đi ngược dòng. Mặt khác, để tránh sự để ý và khả năng tạo vết, các “cá mập” sẽ dùng nhiều tài khoản chứng khoán đứng tên người thân ở nhiều công ty chứng khoán.
Cách mua bán cổ phiếu dựa trên dấu vết dòng tiền thông minh.
Nên mua cổ phiếu vào thời điểm nào?.
Trong đầu tư chứng khoán có 2 thiên hướng chính là đầu cơ lướt sóng và đầu tư dài hạn. Trong trường hợp đầu tư dài hạn, chỉ cần tìm kiếm những doanh nghiệp có phân tích cơ bản tốt, định giá xem vùng giá nào là hợp lý. Công việc của bạn chỉ đơn giản là áp dụng phương pháp dòng tiền này để tìm kiếm mức giá tốt nhất trong thời gian tới để mua vào.

Ảnh: Ví dụ minh họa điểm mua theo dòng tiền của tay to trên thị trường
Để đánh giá về sự an toàn và rủi ro khi xác định điểm mua trong phương pháp này, chúng ta cần lưu ý 2 yếu tố then chốt, đó là % giảm giá và khối lượng giao dịch. Giá giảm càng sâu và Khối lượng giao dịch càng lớn so với bình thường thì hiệu quả quyết định vị thế càng cao. Khối lượng giao dịch gấp 3 lần bình thường được xem là được, 5 lần là khá tốt, còn lớn hơn 10 lần được xem là rất tốt.
Khi giá cổ phiếu giảm sâu trong ngắn hạn, đám đông thường sẽ không dám xuống tiền vì sợ “bắt dao rơi”, có thông tin bị ẩn còn chưa được biết. Nhưng trong phiên đó khối lượng giao dịch lại tăng đột biến, tức là phải có nhóm người có đủ thông tin để quyết định mua một số lượng lớn cổ phiếu đang bị bán tháo. Trong trường hợp này hoàn toàn có cơ sở để tin rằng có sự xuất hiện của MMS và BBS. Nếu quyết định hành động mua theo thì xác suất thua lỗ sẽ càng thấp đi.
Theo kinh ngiệm giao dịch của nhiều chuyên gia, trong một ngày giao dịch mà giá cổ phiếu giảm trên 3% thì nên để ý, còn giảm trên 5% là rất nên chú ý. Trong trường hợp cổ phiếu đó còn có tổng % giảm giá lớn hơn 10% trong 2 – 4 tuần trở lại đây thì nên đặc biệt chú ý.
Nếu không có gì bất thường thì sau những phiên như ngày 08/02/2021 trong ví dụ trên, giá cổ phiếu VJC sẽ đảo chiều tăng (như trong vùng giá tăng 3). Bạn có thể áp dụng với những một mã cổ phiếu bất kỳ nào khác để thấy được sự tương đồng.
Nên bán cổ phiếu vào thời điểm nào?.
Ngược lại với cách chọn điểm mua, nếu giá cổ phiếu bạn đang nắm giữ tăng liên tiếp trong thời gian gần đây kèm nhiều tin tức. Khi giá cổ phiếu tăng đến một vùng giá mới thì sẽ tạo ra một vùng giá cân bằng mới (vùng A) theo lý thuyết. Thông thường giá cổ phiếu đó sẽ tăng thêm một chút trước khi điều chỉnh về lại Vùng giá cân bằng A.
Nếu xuất hiện hiện tượng có phiên giá tăng mạnh kèm khối lượng giao dịch đột biến thì khả năng rất cao là giá sẽ đảo chiều và giảm xuống sau đó vài phiên. Hiện tượng giảm giá này thể hiện việc MMS và BBS chốt lãi sau một chặng dài tăng giá dẫn đến hiệu ứng đám đông.
Việc các nhà đầu tư nhỏ lẻ mua lúc cổ phiếu đang tăng mạnh trong trường hợp này dẫn tới bị “đu đỉnh” trong ngắn hạn, nếu tiếp tục cắt lỗ khi giá điều chỉnh do “cá mập” chốt lời thì được xem là đầu cơ lệch nhịp. Họ bị cuốn vào vòng luẩn quẩn thua lỗ là việc hoàn toàn có khả năng xảy ra.

Ảnh: Ví dụ minh họa điểm bán theo phương pháp dòng tiền
Trên thực tế những dấu hiệu mua và bán sẽ không thường xuyên xuất hiện một cách rõ ràng, nó sẽ có những biến tấu nhất định đòi hỏi khả năng phân tích của nhà đầu tư. Những vấn đề này sẽ được đề cập chi tiết hơn ở những phần sau.
Trên đây là toàn bộ bài viết trình bày phương pháp xác định thời điểm mua bán theo dòng tiền và ví dụ minh họa ở trường hợp đơn giản. Phần tiếp theo sẽ tiếp tục với những trường hợp phức tạp hơn. Nếu bạn có vấn đề thắc mắc, vui lòng liên hệ tôi hoặc để lại lời nhắn qua google form tại đây.
Bài viết có thể bạn muốn đọc: