Ngoài hình thức đầu tư bằng cách mua cổ phiếu có hiệu suất cao nhưng yêu cầu phải có nền tảng kiến thức và khả năng phân tích, gửi tiết kiệm ngân hàng khá đơn giản nhưng hiệu suất thấp, còn một hình thức đầu tư dung hòa được 2 kiểu trên là đầu tư chứng chỉ quỹ.
Khái niệm
Nếu định nghĩa theo Luật chứng khoán 2019 thì: Chứng chỉ quỹ là loại chứng khoán xác nhận quyền sở hữu của nhà đầu tư đối với một phần vốn góp của quỹ đầu tư chứng khoán.
Quỹ đầu tư chứng khoán là quỹ hình thành từ vốn góp của nhà đầu tư với mục đích thu lợi nhuận từ việc đầu tư chứng khoán hoặc các tài sản khác, kể cả bất động sản, trong đó nhà đầu tư không có quyền kiểm soát hằng ngày đối với việc ra quyết định đầu tư của quỹ.
Hiểu đơn giản, chứng chỉ quỹ là một dạng chứng chỉ do quỹ đầu tư phát hành ra. Khi bạn mua chứng chỉ quỹ thì tức là bạn đang đưa tiền cho quỹ để đi đầu tư vào các hình thức khác nhau. Tùy theo thỏa thuận mà bạn sẽ được trả % lợi tức dựa trên chứng chỉ quỹ mà bạn mua.
Mặc dù có nhiều loại tài sản mà quỹ có thể đầu tư nhưng trong bài viết này mình sẽ đề cập đến dạng quỹ đầu tư cổ phiếu bởi tính phổ biến của nó trên thị trường.
Lãi suất chứng chỉ quỹ.
Phân loại quỹ đầu tư và lãi suất kỳ vọng.
Hiện trên thị trường đang tồn tại khá nhiều quỹ đầu tư với cách hoạt động, kỳ vọng hiệu suất và thương hiệu khác nhau. Nhà đầu tư có thể căn cứ trên cơ sở mức độ kỳ vọng lợi suất mà mình nhận được, mức phí quản lý quỹ phải chi trả và rủi ro phải chịu trong trường hợp quỹ đầu tư thua lỗ mà lựa chọn loại chứng chỉ quỹ phù hợp.
Quỹ đầu tư thụ động (Quỹ ETF).
Quỹ đầu tư thụ động mà một dạng quỹ mô phỏng chỉ số. Ở Việt Nam phổ biến nhất là quỹ mô phỏng chỉ số VN30. Các cổ phiếu trong chỉ số này là top 30 những công ty có vốn hóa lớn nhất thị trường, và chúng phải tuân thủ theo một tỷ trọng vốn hóa điều chỉnh theo tỷ lệ free-float được quy định sẵn bởi Sở HSX.
Việc vận hành quỹ ETF khá đơn giản, không tốn chi phí nhân lực nhiều, hầu như chỉ cần một nhân viên đặt lệnh và một nhân viên kế toán là có thể đảm đương tốt công việc. Bởi vậy nên phí quản lý quỹ này cũng rất thấp.

Mình lấy ví dụ năm 2023, VN30 tăng 20% chẳng hạn, thì chứng chỉ quỹ ETF bạn mua cũng đạt hiệu suất tương đương. Mức lãi này có thể không bằng nhà đầu tư chuyên nghiệp tự đầu tư cổ phiếu nhưng lại lớn hơn khá nhiều so với gửi tiết kiệm.
Quỹ đầu tư chủ động.
Quỹ đầu tư chủ động là một dạng quỹ truyền thống và có lịch sử lâu đời. Cơ chế vận hành của quỹ này là thuê các chuyên gia phân tích chứng khoán về, chọn lọc các cổ phiếu theo tiêu chí nhất định và tiến hành mua vào.
Nhìn vào cách thức vận hành của quỹ này chúng ta cũng có thể đoán được mức độ kỳ vọng/rủi ro sẽ cao hơn quỹ ETF và mức phí quản lý quỹ đương nhiên cũng sẽ cao hơn.

Khi bạn mua chứng chỉ quỹ của các quỹ này thì tức là bạn đang đưa tiền cho một nhóm chuyên gia thay bạn đi đầu tư và bạn phải trả phí cho họ. Và như mình đã nói ở trên, bạn không có quyền can thiệp việc họ lựa chọn cổ phiếu nào, mua vào với tỷ trọng bao nhiêu và khi nào mua.
Hàng năm, các quỹ sẽ tổng kết và công khai hiệu suất đầu tư của mình, so sánh với các rổ chỉ số tham khảo để thấy được rằng họ có đang “đánh bại” được thị trường hay không. Nếu hiệu suất tốt thì việc thu hút người tham gia mua chứng chỉ quỹ của họ sẽ tăng lên, qua đó nhận nhiều phí quản lý hơn.
Nên mua chứng chỉ quỹ nào? Hướng dẫn cách đầu tư chứng chỉ quỹ.
Định hướng chọn loại chứng chỉ quỹ.
Các quỹ thụ động (ETF) có phí quản lý thấp, bản chất là đầu tư vào toàn bộ nền kinh tế, nó biến động theo rổ chỉ số – vốn là đại diện cho toàn bộ thị trường. Loại hình quỹ này ở Việt Nam chưa thực sự phát triển nhưng ở nước phát triển lại cực kỳ thịnh hành. Nguyên nhân là do lãi suất tiền gửi ở các nước này cực kỳ thấp, so với hiệu suất của quỹ ETF thì đúng là không đáng kể. Thêm nữa là mức độ rủi ro của ETF cũng vừa phải.
Loại chứng chỉ quỹ ETF này sẽ phù hợp với những người có hiểu biết nhất định về kinh tế nói chung và chứng khoán nói riêng nhưng không có thời gian tìm hiểu và phân tích cổ phiếu, mặt khác họ cũng là người có xu hướng thích sự an toàn và ổn định.
Các loại chứng chỉ quỹ chủ động lại phù hợp với những người kỳ vọng về lợi suất cao hơn so với quỹ chủ động, đương nhiên là rủi ro cũng sẽ cao hơn. Việc lựa chọn quỹ chủ động có năng lực và hiệu suất ổn định là yếu tố hàng đầu quyết định lợi suất của người mua chứng chỉ quỹ.
Cách đầu tư chứng chỉ quỹ.
Đối với một số chứng chỉ quỹ ETF được niêm yết trên sàn, bạn chỉ cần mở tài khoản chứng khoán là có thể mua bán. Mỗi công ty quản lý quỹ sẽ tự xây cho mình các quỹ mô phỏng chỉ số. Chẳng hạn:
Dragon Capital, chủ yếu hút khách châu Âu, châu Mỹ, Thái Lan,… thì có các quỹ như:
- Quỹ ETF DCVFMVN30 (mã E1VFVN30);
- Quỹ ETF DCVFMVNMIDCAP (mã: FUEDCMID);
- Quỹ ETF DCVFMVN DIAMOND (mã: FUEVFVND)
SSI Asset Managament (SSIAM) hút khách Nhật Bản và quản lý một số quỹ như:
- Quỹ ETF SSIAM VNFIN LEAD (mã: FUESSVFL)
- Quỹ ETF SSIAM VNX50 (mã: FUESSV50)
- Quỹ ETF SSIAM VN30 (mã: FUESSV30)
Mirae Asset và KIM hút khách Hàn Quốc, họ có 1 số quỹ như:
- Quỹ ETF MAFM VNDIAMOND (mã: FUEMAVND)
- Quỹ ETF MAFM VN30 (mã: FUEMAV30)
- Quỹ ETF KIM GROWTH VN30 (mã: FUEKIV30)
- Quỹ ETF Kim Growth VNFINSELECT (mã: FUEKIVFS)
Ngoài ra còn một số cái tên công ty quản lý quỹ nhiều người biết đến như:
- Vina Capital với Quỹ ETF VINACAPITALVN100 (mã: FUEVN100)
- IPA của VnDirect với Quỹ ETF IPAAM VN100 (mã: FUEIP100)
- FPT Capital với Quỹ ETF FPT CAPITAL VNX50 (mã: FUEFCV50)
- Bảo Việt Fund với Quỹ ETF BVFVN DIAMOND (mã: FUEBFVND)

Nếu là các chứng chỉ quỹ chủ động thì bạn có thể liên hệ với các công ty quản lý quỹ và mua trực tiếp từ họ.
Trên đây là toàn bộ bài viết của mình về chứng chỉ quỹ. Nếu bạn đọc có vấn đề thắc mắc có thể liên hệ trực tiếp hoặc để lại lời nhắn qua google form tại đây nhé.
Bài viết liên quan: