CAGR là một hệ số tài chính quan trọng mà những người chủ doanh nghiệp hoặc là những người phân tích doanh nghiệp hay nhìn vào để đánh giá hiệu suất của doanh nghiệp đó. Vậy CAGR là gì và cách sử dụng hệ số này như thế nào? Chúng ta cùng tham khảo bài viết nhé.
CAGR là gì?.
CAGR là gì? Đây là một từ viết tắt từ cụm từ tiếng Anh: Compound Annual Growth Rate (tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm). Hệ số CAGR được sử dụng để mô tả sự tăng trưởng hàng năm của một số yếu tố kinh doanh hoặc khoản đầu tư bao gồm cả ảnh hưởng của lãi kép. Trên cơ sở tính CAGR trong một quãng thời gian đủ dài, các nhà phân tích có thể dự đoán lợi nhuận tương lai dự kiến của doanh nghiệp, quỹ ETF, quỹ tương hỗ,…
Công thức tính.
Mặc dù được sử dụng chủ yếu để tính theo chu kỳ năm, tuy nhiên CAGR cũng có thể được sử dụng linh hoạt cho các chu kỳ khác, nhằm phục vụ mục đích của người sử dụng.

CAGR = [(Giá trị cuối của khoản đầu tư / Giá trị đầu của khoản đầu tư) ^ 1/n] – 1
Trong đó,
- Giá trị cuối của khoản đầu tư là số dư được xác định tại cuối chu kỳ cuối cùng (năm, quý, tháng,…).
- Giá trị đầu của khoản đầu tư là số dư được xác định tại cuối chu kỳ đầu tiên
- n là số chu kỳ đầu tư (năm, tháng, quý,….)
Ví dụ: tính CAGR lợi nhuận ròng của một công ty trong giai đoạn 2017 – 2022 thì,
- Giá trị đầu của khoản đầu tư: lợi nhuận ròng của năm 2017.
- Giá trị cuối của khoản đầu tư: lợi nhuận ròng của năm 2022.
- n = 5 năm.
Giá trị của chỉ số tài chính này được biểu thị dưới dạng %.
Ví dụ.
Công ty cổ phần thép Hòa Phát – mã chứng khoán HPG. Số liệu thống kê doanh thu của công ty này giai đoạn 2019 – 2022 như sau:

Năm 2019, HPG có doanh thu 63,658 tỷ đồng, năm 2022 là 141,109 tỷ đồng.
Theo công thức tính ta có tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm của HPG tính trong giai đoạn 2019-2022 như sau: CAGR = [(141,109 / 63,658) ^ (1/3)] – 1 = 30.38%.
Ta có thể thấy doanh thu của Hòa Phát biến động theo năm không đồng đều. Có năm tăng rất mạnh so với cùng kỳ nhưng cũng có năm giảm. Do đặc thù ngành nghề có tính chu kỳ cao nên doanh thu của HPG biến động mạnh như vậy cũng là điều dễ hiểu.
Sự biến động này không được thể hiện trong hệ số tỷ lệ tăng trưởng hàng năm kép. Nhiệm vụ của hệ số này cũng không phải để phản ánh yếu tố đó.
Trên góc độ người làm doanh nghiệp, sự tăng trưởng của quy mô doanh thu dựa trên con số tuyệt đối có ý nghĩa hơn nhiều. Họ nhận thức rất rõ đặc thù ngành và luôn có biện pháp để ứng phó.
Trên góc độ là một nhà đầu tư, giá cổ phiếu HPG năm 2019 có thời điểm chỉ là 9,600đ/cp. Tính đến hiện tại giá 22,000đ/cp thì HPG vẫn là một khoản đầu tư tốt cho 3 năm. Việc liên hệ giữa các hệ số tài chính và giá cổ phiếu còn rất nhiều câu chuyện để nói. Tuy nhiên thì mình đang dẫn chứng đơn giản để bạn có thể hiểu hơn trong trường hợp này.
Ý nghĩa của hệ số CAGR.
Dựa vào công thức tính của CAGR, ta có thể thấy 2 biến số quan trọng nhất trong hệ số này là số dư cuối kỳ và số dư đầu kỳ. Tình trạng biến động trong quãng thời gian nghiên cứu sẽ không được hệ số này phản ánh.
Trên lập luận đó thì CAGR sẽ có ý nghĩa phản ánh hiệu suất sản xuất kinh doanh sát sao hơn với những dạng doanh nghiệp tăng trưởng bền vững hoặc quỹ đầu tư có khẩu vị đầu tư thiên về tính ổn định.
Tuy nhiên cũng không thể phủ nhận ý nghĩa mà Tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm biểu thị, dù bỏ qua quá trình nhưng kết quả sau cùng vẫn hiện hữu. Điều đó có nghĩa là nếu hệ số này cao thì dù có biến động, nhưng trong dài hạn doanh nghiệp vẫn có được thành tựu đáng kể.
Hệ số CAGR nên được dùng kết hợp với nhiều hệ số khác trong phân tích định giá để có được bức tranh toàn cảnh nhất.
Trên đây là toàn bộ bài viết của mình về hệ số CAGR, về khái niệm, cách tính và ý nghĩa trong phân tích đầu tư. Nếu bạn có thắc mắc cần giải đáp thì có thể liên hệ trực tiếp hoặc để lại lời nhắn cho mình qua google form tại đây nhé.
Có thể bạn muốn đọc thêm: