Một trong những cách thông dụng để phân tích một cổ phiếu có tốt hay không, là xem xét một tập hợp những chỉ số tài chính xem chúng có đáp ứng được tiêu chuẩn hay không. Bài viết này sẽ trình bày các tiêu chuẩn liên quan đến chỉ số ROE hoặc ROAE .
Chỉ số ROE.
Khái niệm.
ROE (Return On Equity) là một chỉ số đo lường mức độ hiệu quả trong việc sử dụng vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp. Nó được tính bằng tỷ số giữa Lợi nhuận ròng/Vốn chủ. Đây là một chỉ số rất quan trọng giúp chúng ta biết được tình hình sử dụng nguốn trong doanh nghiệp.
Công thức tổng quát.

Lợi nhuận ròng được sử dụng để tính chỉ số ROE.
Lợi nhuận ròng hay còn gọi là lãi thuần hoặc lãi ròng là phần lợi nhuận cuối cùng của một doanh nghiệp sau khi hạch toán toàn bộ chi phí và thuế. Lợi nhuận ròng được hiểu theo 2 loại mô hình công ty: mô hình có công ty con và không có công ty con.
- Mô hình không có công ty con: Nếu doanh nghiêp không có công ty con thì lợi nhuận ròng sẽ bằng LNST của chính doanh nghiệp đó và được ghi trong báo cáo tài chính. Hiện nay trên sàn chứng khoán có khá ít công ty áp dụng mô hình đơn giản này.
- Mô hình công ty có các công ty con: Đối với các doanh nghiệp có 1 hoặc nhiều công ty con mà công ty mẹ có tỷ lệ sở hữu 50 – 100%. Lợi nhuận ròng sẽ là lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ (còn gọi là Lợi nhuận sau thuế (LNST) của chủ sở hữu, LNST của cổ đông công ty mẹ, …)
Ta cùng xét ví dụ sau:

Công ty X là công ty mẹ của công ty Y và Z. Doanh thu thuần hợp nhất được tính đơn giản bằng cách cộng dồn cả 3 công ty lại, bằng 1300 tỷ. Tuy nhiên ở phần LNST hợp nhất sẽ được chia làm 2 phần:
- LNST của cổ đông không kiểm soát: chính là phần lợi nhuận chia cho các cổ đông khác tại công ty con Y (30%) và Z (20%). Giá trị phần LNST là 3 tỷ (30% của 10 tỷ lãi) và 4 tỷ (20% của 20 tỷ lãi).
- LNST của công ty mẹ: được tính bằng giá trị LNST của công ty X (100 tỷ) và phần LNST tương ứng với tỷ lệ sở hữu tại công ty con, công ty Y (70%) là tỷ và công ty Z (80%) là 16 tỷ. Tổng giá trị là 123 tỷ đồng.
Vốn chủ sở hữu được sử dụng để tính ROE.
Vốn chủ sở hữu của một doanh nghiệp bao gồm tổng giá trị các tài sản cố định và tài sản lưu động như đất đai, kho xưởng, hàng tồn kho và các khoản thu nhập khác trừ đi các khoản nợ phải trả và chi phí khác.
Trong bảng cân đối kế toán ta thường thấy ở mục vốn chủ sở hữu có 2 cột ghi nhận giá trị đầu kỳ và cuối kỳ tương ứng với đầu và cuối năm tài chính. Có rất nhiều người hoặc tổ chức thường lấy nhầm giá trị vốn chủ sở hữu để tính ROE, cụ thể là thường lấy cuối kỳ.

Trên đây là một ví dụ một trường hợp đơn giản, doanh nghiệp có Vốn chủ sở hữu đầu kỳ là 1300 tỷ, trong kỳ (năm tài chính) doanh nghiệp làm ăn lãi được 200 tỷ. Nhiều người tính ROE bằng cách lấy LNST chia cho Vốn chủ sở hữu cuối kỳ.
Đây là cách tính ROE hoàn toàn sai lầm về bản chất tài chính. Doanh nghiệp có 1300 tỷ đầu kỳ, làm ăn lãi 200 tỷ thì nếu ta xem xét độ hiệu quả của việc sử dụng vốn chủ thì phải dùng giá trị Vốn điều lệ ban đầu chứ không phải vốn chủ sau khi kết toán lãi. Vậy cách tính đúng sẽ là: ROE = 200/1300 = 15.38%.
Chỉ số ROAE.
Nhược điểm của chỉ số ROE: Ta thấy rằng ROE phụ thuộc vào 2 biến là lợi nhuận ròng và vốn chủ sở hữu thời điểm đầu kỳ trong 1 năm tài chính 12 tháng. Lợi nhuận ròng khá dễ để xác định và ít bị ảnh hưởng từ bên ngoài.
Tuy nhiên, vốn chủ sở hữu lại biến thiên theo nhiều tố chứ không chỉ là là LNST của doanh nghiệp. Các yếu tố ảnh hưởng mạnh đến vốn chủ sở hữu có thể kể đến như: cổ tức tiền mặt, thay đổi sáp nhập cổ phiếu, phát hành riêng lẻ dẫn đến tăng vốn, …
Nếu các tố tác động không đáng kể thì ROE vẫn là chỉ sổ hiệu quả để phản ánh hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp. Nhưng trên thực tế tôi gặp, có những trường hợp vốn chủ bị biến động mạnh theo nhiều cách khác nhau. Lúc này ROE sẽ không còn đúng nữa.
Cụ thể, ta xét một ví dụ như sau:
Một doanh nghiệp A có vốn điều lệ 300 tỷ tại thời điểm đầu kỳ tài chính (1/1). Cuối tháng 3, doanh nghiệp này có phát hành riêng lẻ để huy động thêm 900 tỷ. Sau đợt tăng vốn này thì vốn chủ của doanh nghiệp tăng lên 1200 tỷ. Cuối năm tài chính, doanh nghiệp báo lãi ròng 100 tỷ.
Vậy cách tính đúng của chỉ số ROE trong trường hợp này là gì?
Tôi liệt kê ra 2 trường hợp
- Trường hợp 1: ROE = LNST/Vốn chủ đầu kỳ = 100/300 = 33.33%
Trường hợp này không đúng vì doanh nghiệp đã huy động được 900 tỷ vào cuối tháng 3. Số vốn này được sử dụng trong 2/3 thời gian của năm tài chính. Vậy nên ta chỉ sử dụng vốn chủ đầu kỳ là không hợp lý.
- Trường hợp 2: ROE = LNST/Vốn chủ cuối kỳ = 100/(300+900+100) = 7.7%
Trường hợp này cũng không đúng vì vốn chủ cuối kỳ đã gồm cả lãi ròng. Thêm nữa phần vốn huy động cũng chỉ thực sự góp vào vốn chủ trong 2/3 năm tài chính chứ không phải cả năm.
Vậy phải thế nào mới đúng?
Đây là lý do cần phải có chỉ số ROAE (Return on Average Equity)

Tiếp tục với ví dụ trên, ta có thể áp dụng công thức tính chỉ số này như sau:
- Trường hợp 3: ROAE = LNST/Vốn chủ bình quân = 100/[(300+1300)/2] = 12.5%.
Ta có thể thấy sự hợp lý của kết quả trong trường hợp 3 vì đã thể hiện được sự ảnh hưởng của sự thay đổi vốn chủ trong kỳ. Mặc dù chính xác nhất là ta phải xét tỷ suất sinh lời trong từng thời điểm với vốn chủ tương ứng là bao nhiêu.
Tuy nhiên khi không có đầy đủ dữ liệu thì chỉ số này tỏ ra hiệu quả nhất khi vẫn phản ánh được hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp, mà không làm sai lệch bản chất tài chính.
Ý nghĩa và cách đọc các chỉ số ROE và ROAE.
Bản chất của ROE là chỉ số phản ánh độ hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp. Chỉ số này càng cao thì doanh nghiệp càng hoạt động tốt. Rất nhiều nhà đầu tư sử dụng nó làm 1 trong các tiêu chí để lựa chọn cổ phiếu.
Vậy mức ROE bao nhiêu là tốt? Một số lưu ý khi sử dụng các chỉ số này để chọn cổ phiếu:
- Theo kinh nghiệm thực tế của nhiều chuyên gia trong ngành, chỉ số ROE hoặc ROAE nên lớn hơn 15%. Nếu chỉ số thấp hơn mức này tức là khả năng tạo lợi nhuận của doanh nghiệp đang quá thấp, chúng ta nên cân nhắc loại bỏ ngay từ đầu. Một lưu ý nữa là rất nhiều trang web tài chính có tính sẵn ROE hoặc ROAE nhưng đa phần chưa chính xác và chỉ có giá trị tham khảo thấp.
- Xem xét chỉ số ROE hoặc ROAE của toàn ngành của cổ phiếu bạn đang quan tâm. Ví dụ bạn đang quan tâm ngành hàng không và muốn tìm một cổ phiếu trong ngành để đầu tư. Ưu tiên hàng đầu là bạn nên chọn những cổ phiếu có giá trị chỉ số cao hơn trung bình của toàn ngành. Đây là cách đơn giản để bạn có những nhận định đầu tiên về cổ phiếu nếu bạn chưa hiểu biết nhiều về ngành đó.

Ảnh: Lợi nhuận, vốn chủ sở hữu và ROAE của 11 công ty ngành hàng không tính theo báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2019.
Trong ảnh trên ta thấy chỉ số ROAE của 11 công ty đang hoạt động trong ngành hàng không và đang được niêm yết trên 3 sàn HOSE, HNX và UPCOM. Nếu áp dụng tiêu chí ROAE > 15% hoặc cao hơn trung bình toàn ngành (13.33%) thì ta chỉ có thể chọn được 3/11 mã cổ phiếu: ACV (14.55%); SGN (34.73%); NCT (40.55%). Để chính xác hơn, bạn nên dùng vài chỉ số nữa trước khi đi sâu vào nghiên cứu mã cổ phiếu đó.
- Thêm nữa, nếu ROE hoặc ROAE của doanh nghiệp nhỏ hơn lãi suất ngân hàng hiện tại thì bạn nên loại bỏ mã cổ phiếu đó không cần nghiên cứu thêm nữa. Lý do rất đơn giản, với chỉ số ROE, ROAE như vậy mà doanh nghiệp còn đi vay ngân hàng để mở rộng kinh doanh nữa thì hiệu suất sinh lời chắc chắn sẽ còn giảm thêm. Như vậy là rất không tốt.
- Nếu bạn không có nhiều thời gian thì kết quả tính ROE trên các site tài chính như: cafef.vn hoặc cophieu68.vn cũng là một kênh tham khảo. Đa phần các website này đều tính ROE bằng cách lấy LNST hoặc LNST của cổ đông công ty mẹ/ Vốn chủ cuối kỳ. Dù chưa được chính xác cho lắm nhưng nếu ROE của mã cổ phiếu nào đó vượt trội hơn so với thị trường thì đó cũng là lựa chọn không tồi để bạn lựa chọn và nghiên cứu thêm.
Trên đây là toàn bộ bài viết của tôi về ROE và ROAE. Nếu các bạn có thắc mắc cần giải đáp có thể liên hệ trực tiếp hoặc để lại lời nhắn qua gg form tại đây.
Bài viết liên quan:
Có thể bạn muốn xem: