Có một thực trạng là rất nhiều người mới tập đầu tư chứng khoán sau khi mở tài khoản không hề biết ai là người đang quản lý tài khoản và sẽ hỗ trợ mình.
Bài viết này mình sẽ giúp bạn đọc biết được ai sẽ là người quản lý tài khoản chứng khoán của bạn. Bài viết cũng sẽ phân tích ưu và nhược điểm của từng trường hợp người quản lý tài khoản.
Tài khoản chứng khoán được quản lý bởi những ai?
Trường hợp 1: Nhân viên công ty chứng khoán.
Khái niệm Nhân viên công ty chứng khoán.
Là bộ phận nhân sự làm công ăn lương trong công ty chứng khoán hoạt động như một tổng đài viên. Nhiệm vụ của họ là quản lý nhóm khách hàng vãng lai từ hệ thống của công ty đưa về. Sự khác biệt giữa họ với nhân viên môi giới là không có áp lực doanh số hay phải tìm khách mang về.
Cách công ty chứng khoán quản lý tài khoản chứng khoán vãng lai.
Tài khoản vãng lai là dạng tài khoản được mở trong 2 trường hợp:
- Mở tài khoản trực tiếp tại quầy giao dịch của công ty chứng khoán mà không liên hệ với nhân viên môi giới trước.
- Trường hợp khác là khách đăng ký mở online và cũng không gắn ID môi giới.
Giai đoạn trước đây tệp khách này khá bé so với số lượng khách mà môi giới mang về. Bắt đầu từ khoảng năm 2016 đến nay, lượng khách vãng lai tăng lên khá nhiều do chiến lược quảng bá thương hiệu của các công ty chứng khoán. Bên cạnh đó, nhận thức của khách hàng về chứng khoán đã tốt hơn nhiều và tự tìm đến công ty chứng khoán.
Để khách hàng được tư vấn đầu tư tốt hơn, các công ty chứng khoán sẽ phân bổ khách cho các nhân viên môi giới mới vào nghề nhưng có thái độ tích cực. Những người này còn được gọi là nhân viên quản lý tài khoản chứng khoán. Tuy nhiên, việc này vô hình chung lại làm họ ỷ lại và không chịu nâng cao khả năng tìm khách.
Để đối phó với thực trạng này, các công ty chứng khoán quyết định không chia khách như vậy nữa. Họ mà lập riêng một nhóm nhân sự riêng, gọi là nhân viên tư vấn chứng khoán.
Việc này sẽ bắt buộc các nhân viên môi giới phải tự thân vận động tìm khách nếu không muốn bị đào thải. Các công ty chứng khoán cũng chỉ trả lương cứng cho nhân viên tư vấn chứ không phải chia sẻ phí giao dịch.
Trường hợp 2: Nhân viên môi giới chứng khoán.
Khái niệm Nhân viên môi giới chứng khoán.
Họ là lực lượng chủ chốt trong công ty chứng khoán. Ngoài việc phải có kiến thức sâu rộng trong lĩnh vực chứng khoán nói riêng và kinh tế chính trị xã hội nói chung, họ còn phải có kiến thức về sales. Do có tính chất cung cấp dịch vụ nên phí giao dịch hàng tháng chính là thước đo hiệu quả làm việc của một nhân viên môi giới chứng khoán. Đó cũng chính là cơ sở để tính ra thu nhập của họ.
Khi khách hàng mở tài khoản thông qua nhân viên môi giới chứng khoán.
Nhóm khách hàng này có thể mở tài khoản trực tiếp tại công ty chứng khoán hoặc mở tài khoản online nhưng thông qua một nhân viên môi giới chứng khoán. Nói cách khác, họ biết đến công ty chứng khoán và biết đầu tư chứng khoán nhờ một nhân viên môi giới. Nhóm khách khàng này sau khi mở tài khoản sẽ được nhân viên môi giới đó tư vấn đầu tư và đồng hành trong suốt quá trình đầu tư sau này.
Để tránh xung đột, các công ty chứng khoán quy định mỗi tài khoản của khách hàng chỉ được quản lý bởi một nhân viên môi giới (tại một công ty chứng khoán thì 1 khách hàng cũng chỉ được mở 1 tài khoản). Nhân viên môi giới đó sẽ xem được các thông tin trong tài khoản của khách, lịch sử giao dịch,… từ đó sẽ có các tham vấn phù hợp và hỗ trợ khi có vấn đề trục trặc.
So sánh môi giới chứng khoán và nhân viên tư vấn chứng khoán.

Giống nhau.
Họ đều là nhân viên quản lý tài khoản chứng khoán của khách hàng và làm việc trong cùng công ty chứng khoán.
Khác nhau.
Về kỹ năng.
Để trở thành một nhân viên môi giới chứng khoán cần phải có rất nhiều kỹ năng. Ngoài kỹ năng phân tích đầu tư dựa trên kiến thức kinh tế, họ còn phải có kỹ năng sale để tìm kiếm khách hàng.
Về phần nhân viên tư vấn chứng khoán, họ chỉ cần có kỹ năng giải đáp thắc mắc các nghiệp khi giao dịch chứng khoán. Thông thường kỹ năng này họ sẽ được công ty chứng khoán đào tạo vài tuần là thành thạo.
Công việc của họ tương tự như một tổng đài viên ngân hàng, nhận lương cứng hàng tháng và đi làm theo giờ hành chính. Họ cũng phải đạt một số KPI nhẹ nhàng như: số lượng khách đã hỗ trợ, có bị phàn nàn gì không, doanh số tượng trưng, . . . Các nhân viên tư vấn thường là sinh viên mới ra trường chưa có kinh nghiệm đầu tư hoặc nhân sự không có khả năng sales.
Mức phí giao dịch được áp dụng.
Ở một số công ty chứng khoán, nếu tài khoản của bạn được quản lý bởi nhân viên tư vấn chứng khoán thì phí giao dịch sẽ thấp hơn so với việc được quản lý bởi nhân viên môi giới chứng khoán. Vì bản chất nhân viên môi giới cần nhiều kỹ năng hơn, dùng chất xám để thu hút khách hàng, khả năng support sau khi mở tài khoản là vượt trội hơn hẳn.
Vậy nếu bạn ưu tiên mức phí thấp và chấp nhận mức độ hỗ trợ giới hạn thì chọn mở tài khoản dạng vãng lai. Còn muốn được hỗ trợ tốt và chấp nhận mức phí cao hơn thì nên tìm một môi giới giỏi để mở tài khoán. Theo kinh nghiệm mà mình thấy thì mức chi phí do thua lỗ khi bạn tự bơi sẽ lớn hơn rất nhiều mức phí giao dịch bạn bỏ ra để được hỗ trợ bởi nhân viên môi giới chứng khoán.
Một số lời khuyên khi chọn người quản lý tài khoản chứng khoán.
Khi bạn mới tham gia đầu tư…
Bạn nên chọn công ty chứng khoán lớn, có thương hiệu và chọn Nhân viên môi giới là người quản lý tài khoản cho bạn. Mặc dù % phí giao dịch có thể cao hơn chút nhưng do số tiền đầu tư của bạn vẫn chưa nhiều nên phí sẽ không đáng kể.
Đổi lại bạn sẽ được môi giới hỗ trợ cũng như chỉa sẻ kinh nghiệm đầu tư. Sau khoảng 1 năm bạn cảm thấy tự tin, không cần hỗ trợ nhiều và cũng có nhiều thời gian tìm hiểu thêm thì có thể tìm cách đổi sang dạng tài khoản vãng lai do Nhân viên tư vấn quản lý.
Trong trường hợp, số vốn đầu tư của bạn tầm 1 tỷ trở lên thì mặc định bạn là khách hàng VIP của bất kỳ công ty chứng khoán nào, bạn có thể yêu cầu Nhân viên môi giới đề nghị công ty chứng khoán để mức phí thấp như tài khoản vãng lai mà vẫn được môi giới hỗ trợ đầy đủ. Trên thực tế, nếu khách vốn đầu tư lớn, các bạn môi giới sẽ tự động xin giảm phí giao dịch cho khách.
Thứ 2, mối quan hệ giữa khách hàng – nhân viên môi giới hoặc giữa các môi giới với nhau.
Do mỗi tài khoản chứng khoán của khách ở bất kỳ công ty chứng khoán nào cũng chỉ do một nhân viên môi giới chứng khoán quản lý. Do vậy, nếu bạn hỏi hoặc trao đổi với bạn môi giới nào đang không quản lý tài khoản của bạn thì khả năng cao sẽ không nhận được câu trả lời nhiệt tình.
Vì bản chất các Nhân viên môi giới cũng phải cạnh tranh với nhau, họ cũng mất nhiều công sức và thời gian để phân tích thị trường, mã cổ phiếu, … Vậy đương nhiên là khách hàng – những người trả phí giao dịch phải được hỗ trợ tốt hơn.
Những chuyên viên môi giới chứng khoán có trình độ cao sẽ có khả năng cung cấp những định hướng đầu tư tốt giúp bạn giảm thiểu rủi ro và kiếm được lợi nhuận vượt trội. Tuy nhiên người có tài chưa chắc đã có đức.
Những môi giới có tâm với nghề sẽ tập trung vào việc giữ an toàn tài chính cho khách chứ không phải quay phí để tăng doanh số. Năng lực, kiến thức và sự tâm huyết với nghề của các nhân viên môi giới là khác nhau dù họ có cùng làm chung trong các công ty chứng khoán lớn đi chăng nữa.
Bởi những lý do như vậy, việc bạn tìm cho mình một nhân viên môi giới tốt quan trọng hơn nhiều so với việc bạn đi tìm nơi mở tài khoản chứng khoán tốt nhất. Đối với một nhân viên môi giới mà nói, khách hàng chính là khách hàng của họ chứ không phải khách hàng của công ty. Khác hoàn toàn với Nhân viên tư vấn chứng khoán, khách hàng là khách của công ty, chỉ cần làm hết trách nhiệm và nhận lương.
Những tiêu chí quan trọng để lựa chọn Nhân viên môi giới chứng khoán.
Như đã đề cập ở trên, để có thể tham giao đầu tư vào thị trường chứng khoán với định hướng đúng đắn ngay từ ban đầu. Ưu tiên số một là bạn nên tìm cho mình một Nhân viên môi giới có năng lực, có tâm với nghề. Ưu tiên thứ 2 mới là lựa chọn công ty chứng khoán. Nhân viên môi giới giỏi và có tầm nhìn thì họ sẽ biết lựa chọn công ty chứng khoán để làm việc lâu dài.
Vấn đề ở đây là làm sao để tìm được họ?
Thực ra không có một chuẩn mực cụ thể nào để đánh giá chính xác năng lực cũng như phẩm đức của một Nhân viên môi giới chứng khoán. Sau đây mình xin phép đưa ra một vài quan điểm, ban có thể tham khảo:
- Hướng tốt nhất là bạn có thể tham khảo qua người thân hoặc bạn bè đã từng đầu tư chứng khoán và quen biết những môi giới có năng lực, kinh nghiệm và nhiệt tình. Vì đã được kiểm nghiệm rồi nên bạn gần như sẽ không phải mất thời gian để test nữa.
- Nếu bạn không quen ai đã từng đầu tư chứng khoán để tham khảo thì có thể mở tài khoản ở vài công ty chứng khoán với những môi giới khác nhau. Sau thời gian khoảng 1 năm bạn sẽ có thể nhận định được bên nào ổn nhất thì ở lại bên đó. Nếu bạn vẫn chưa biết cách để lựa chọn một công ty chứng khoán thì có thể tham khảo bài viết: Nên mở tài khoản chứng khoán ở đâu tốt?
- Theo Luật chứng khoán hiện hành thì Nhân viên quản lý tài khoản chứng khoán phải có chứng chỉ hành nghề được Ủy ban chứng khoán nhà nước cấp. Để có được chứng chỉ này, ứng viên cần vượt qua 4 kỳ thi chứng chỉ chuyên môn và 1 đợt sát hạch cấp chứng chỉ, thời gian mất khoảng 6 – 8 tháng. Nói chung đây là những kiến thức chứng khoán rất căn bản nên người nào chưa có Chứng chỉ môi giới chứng khoán thì có thể đánh giá rằng, một là lười, không nghiêm túc với nghề nghiệp, hoặc là quá kém không đủ năng lực để vượt qua.
Nếu bạn còn vấn đề gì cần thắc mắc có thể liên hệ mình hoặc để lại lời nhắn qua gg form tại đây.
Bài viết liên quan:
- Hệ thống các công ty chứng khoán ở Việt Nam
- Nên mở tài khoản chứng khoán ở đâu tốt?
- Những điều kiện và thủ tục mở tài khoản chứng khoán.
Có thể bạn muốn đọc: