Phí giao dịch chứng khoán cũng như các loại thuế chứng khoán là vấn đề rất nhiều nhà đầu tư quan tâm. Các đối tượng khác nhau trên thị trường chứng khoán bao gồm, nhà đầu tư cá nhân, tổ chức, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ… Mỗi đối tượng sẽ có quy định khác nhau về thuế phí. Bài viết này Thư Viện Chứng Khoán xin trình bày các loại thuế phí dành cho đối tượng đông đảo nhất là nhà đầu tư cá nhân.
Phí giao dịch chứng khoán.
Phí giao dịch chứng khoán là khoản chi phí mà khách hàng phải trả cho công ty chứng khoán khi giao dịch thành công trên cơ sở sử dụng dịch vụ của công ty đó. Bởi vậy nên phí giao dịch chứng khoán còn được gọi là phí môi giới chứng khoán.
Cách tính.
Phí giao dịch được tính bằng phần trăm giá trị giao dịch trong ngày của khách hàng. Mức phần trăm bao nhiêu là do công ty chứng khoán quy định và được điều chỉnh dựa trên độ lớn của giá trị giao dịch và vị thế của khách hàng (khách VIP, giao dịch nhiều thì phí thấp hơn)

Phí của 1 giao dịch mua bán cổ phiếu MWG
Một số quy định về phí giao dịch chứng khoán theo luật hiện hành.
Mức thu phí.
Phí giao dịch chứng khoán không được vượt qua mức 0.5% của giá trị giao dịch và không quy định mức tối thiểu. Trên thực tế thì mức phí giao dịch hiện nay nằm trong khoảng 0.1 – 0.35%. Các công ty chứng khoán lâu đời thường có mức phí cao hơn các công ty mới. Nguyên nhân là do đã có tệp khách ổn định nên không cần hạ phí để thu hút khách mới.
Phí được tính cả 2 chiều MUA và BÁN:
Khi mua cổ phiếu bạn cũng phải mất phí, khi bán bạn cũng phải mất phí.
Ví dụ: Bạn mua 300 cổ phiếu VCB với giá 80,000đ/1 CP. Giá trị giao dịch là 24,000,000đ. Phí 0.35% thì là 84,000đ. Một tuần sau giá lên 82,000đ/CP nên bạn muốn bán chốt lời. Giá trị giao dịch là 24.6tr, phí giao dịch là 86,100đ. Tổng phí giao dịch của 2 lần là 84,000+86,100=170,100đ. Như vậy, sau một tuần bạn lời được 600,000 thì mất 170,100 tiền phí giao dịch. Nếu mức phí giao dịch chứng khoán cao hơn thì bạn còn mất nhiều hơn. Đây là điểm cần lưu ý khi bạn đầu tư kiểu lướt sóng.
Phí được tạm tính khi đặt lệnh và thực thu khi khớp lệnh thành công.
Phí giao dịch chứng khoán được hệ thống tạm tính ngay khi bạn đặt lệnh và được hiển thị cùng với các thông số khác. Bạn chỉ mất phí khi khớp lệnh thành công. Nếu khớp lệnh không thành công hoặc bạn hủy lệnh thì hệ thống sẽ hoàn lại tiền vào tài khoản của bạn.
Càng giao dịch nhiều, mức phí càng rẻ.
Mỗi công ty chứng khoán tùy theo chiến lược kinh doanh sẽ đưa ra khung phí giao dịch khác nhau. Và phí giao dịch của khách hàng sẽ được tính tạm thời theo từng giao dịch riêng lẻ. Cuối ngày mức phí sẽ được quyết toán lại dựa trên lịch sử giao dịch của khách.

Ví dụ: Trong phiên sáng khách hàng bán 900 cổ phiếu VIC với giá 80,000đ/cp, giá trị giao dịch là 70 triệu đồng. Nhưng đến chiều khách hàng lại bán thêm 1000 cổ phiếu PNJ với giá 60,000đ/cp, giá trị giao dịch là 60 triệu đồng.
Nếu tính riêng từng giao dịch thì khách hàng phải chịu mức phí cho mỗi giao dịch là 0.35%. Tuy nhiên cuối ngày công ty sẽ quyết toán lại, khách hàng giao dịch tổng là 130 triệu đồng. Theo khung phí thì khách hàng chỉ phải mất mức phí 0.3%.
Chiến lược kinh doanh của các công ty chứng khoán và cách tính phí.
Phí giao dịch chứng khoán thực chất là giá dịch vụ của các công ty chứng khoán. Hiện nay trên thị trường có khá nhiều công ty chứng khoán với quy mô khác nhau nhưng đều tuân theo 2 phương pháp tính phí chính. Đó là mức phí khách hàng tự giao dịch và mức phí có brokers hỗ trợ.

Ảnh: Bảng so sánh mức phí của các công ty chứng khoán nằm trong top 5 thị trường chứng khoán Việt nam 12/2020.
Công ty chứng khoán phải nộp một phần phí môi giới cho sở giao dịch.
Hiện nay, sở giao dịch thu phí gián tiếp thông qua các công ty chứng khoán với mức phí là 0.03%. Ví dụ Công ty chứng khoán VPS thu phí giao dịch 0.13% thì phải nộp cho sở giao dịch 0.03% còn thu ròng 0.1%.
Phí lưu ký chứng khoán
Đây là loại phí được thu để nhằm duy trì hệ thống lưu trữ thông tin cổ phiếu cho khách hàng. Loại phí này rất nhỏ so với giá trị chứng khoán mà khách hàng đang nắm giữ. Nếu khách hàng đang nắm giữ 1000 cổ phiếu SZL chẳng hạn thì mỗi tháng chỉ mất khoảng 400đ tiền phí lưu ký. Để biết thêm cách tính phí lưu ký cho các loại chứng khoán khách nhau. Mời bạn đọc xem thêm: Phí lưu ký chứng khoán và cách tính.
Thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng cổ phiếu.
Theo Luật chứng khoán, từ ngày 1/1/2015, việc chuyển nhượng chứng khoán được áp dụng mức thuế là 0.1%. Mức thuế này chỉ đánh vào bên bán còn bên mua không phải chịu.
Như vậy, khi bán chứng khoán, bạn sẽ phải chịu các loại thuế phí sau: Phí giao dịch + Phí lưu ký + Thuế TNCN
Thuế thu nhập cá nhân từ việc nhận cổ tức tiền mặt.
Đây là loại thuế TNCN được áp dụng cho các cổ đông khi họ được nhận cổ tức. Mức thu cố định là 5%. Thuế TNCN phải nộp = Thu nhập tính thuế x thuế suất 5%.
Trong đó:
- Thu nhập tính thuế = Số lượng cổ phiếu thuộc diện chịu thuế x Giá tính thuế
- Giá tính thuế:
- Nếu Giá bán (giá chuyển nhượng) ≥Mệnh giá: Giá tính thuế = Mệnh giá
- Nếu Giá bán (giá chuyển nhượng) < Mệnh giá: Giá tính thuế = Giá bán (giá chuyển nhượng).
- Số lượng cổ phiếu thuộc diện chịu thuế: ưu tiên tính số lượng cổ phiếu từ việc nhận cổ tức cổ phiếu hoặc cổ phiếu thưởng.
Cách thu thuế này được áp dụng như sau:
Cục thuế yêu cầu công ty niêm yết chỉ trả 95% cho cổ đông, còn 5% cục thuế sẽ thu trực tiếp từ công ty niêm yết.
Để tra cứu các đợt trả cổ tức, khách hàng có thể truy cập vào vsd.vn hoặc website của công ty niêm yết để tra cứu.
Các loại thuế, phí giao dịch chứng khoán khác theo quy định.
Còn một số loại thuế và phí khác được áp dụng trong các trường hợp cụ thể:
- Thuế phí liên quan đến vấn đề cho nhận, thừa kế chứng khoán.
- Phí chào mua công khai.
- Phí dịch vụ tin nhắn SMS, mua dịch vụ bảo mật Token.
- Phí khi khách hàng ứng tiền trước khi họ bán chứng khoán.
- Phí giao dịch ngoài sàn giao dịch.
Nên chọn công ty chứng khoán nào có phí rẻ nhất?
Kể từ cuối năm 2019, số lượng nhà đầu tư cá nhân tham gia vào thị trường với số lượng tăng lên nhanh chóng. Trong 2 năm 2020 và 2021, số lượng tài khoản mở mới là khoảng 2 triệu tài khoản. Trong khi số lượng tài khoản tính từ 2020 trở về trước cũng chỉ là khoảng 2 triệu.
Đến một mức độ nào đó khi mà thu nhập dân cư và các yếu tố khác được nâng cao, thì việc người dân tham gia vào thị trường chứng khoán là tất yếu. Khi bắt đầu tham gia vào thị trường, các nhà đầu tư mới sẽ gặp khá nhiều vấn đề thắc mắc, trong đó có việc lựa chọn công ty chứng khoán để mở tài khoản. Mà một trong các tiêu chí để lựa chọn chính là mức phí giao dịch chứng khoán.
Như đã trình bày ở trên, khung phí giao dịch chứng khoán là từ 0 – 0.5% tổng giá trị giao dịch. Thực tế phí ở các công ty chứng khoán hiện nay nằm trong khoảng 0.1 – 0.35%.
Lời khuyên.
Bạn nên lựa chọn những công ty chứng khoán có thị phần nằm trong top 10. Còn về phí giao dịch chứng khoán, mình nghĩ đây không phải là yếu tố quan trọng khi bạn mới tham gia đầu tư.
Bạn nên tìm một nhân viên môi giới tốt đề hỗ trợ tài khoản. Dù ở một số công ty chứng khoán quy định mức phí cao hơn nếu có môi giới hỗ trợ. Tuy nhiên, những định hướng và lời khuyên của một môi giới có tâm và lành nghề sẽ giúp bạn tiết kiệm rất nhiều thời gian so với tự tìm hiều. Mặt khác, học phí bạn phải trả cho thị trường sẽ lớn hơn rất nhiều lần khoản phí giao dịch bạn chấp nhận trả thêm để có môi giới hỗ trợ.
Hiện nay, để mở rộng thị phần, có nhiều công ty chứng khoán lớn như VPS, MAS, . . . còn áp dụng chính sách phí đồng nhất giữa các tài khoản có môi giới hỗ trợ hoặc không có môi giới hỗ trợ.
Trên đây là các loại thuế, phí giao dịch chứng khoán được áp dụng cho khách hàng cá nhân khi tham gia thị trường chứng khoán cơ sở. Nếu có vấn đề gì cần giải đáp, các bạn có thể liên hệ trực tiếp hoặc để lại lời nhắn qua google form tại đây.
Có thể bạn muốn đọc: