Mô hình Ponzi là một hình thức lừa đảo tài chính nổi tiếng trên thế giới. Ở Việt Nam những năm gần đây mô hình này cũng xuất hiện rất nhiều. Những người đứng sau mô hình này tung ra các thương vụ đầu tư hứa hẹn mức lợi nhuận không tưởng và gần như không có rủi ro. Bài viết này mình sẽ trình bày các vấn đề chuyên sâu liên quan đến mô hình lừa đảo Ponzi như lịch sử của mô hình, cơ chế, dấu hiệu, tác động tiêu cực của nó và một số biện pháp phòng tránh.
Khái niệm mô hình Ponzi.
Điểm cốt lõi trong cơ chế hoạt động của mô hình Ponzi là mạng lưới đa cấp được xây dựng bởi người đứng đầu. Những người “mắt xích” sẽ tạo ra cấp tiếp theo bằng cách lôi kéo nhiều người đầu tư vào mô hình bằng các chiêu trò lợi nhuận không tưởng với rủi ro bằng 0.
Thay vì tạo ra giá trị lợi nhuận bằng con đường sản xuất kinh doanh thì những người đứng sau mô hình này lấy tiền của các nhà đầu tư mới để trả cho các nhà đầu tư trước đó. Và khi không thể lôi kéo thêm nhà đầu tư mới, không có tiền mới đổ vào thì mô hình sẽ sụp đổ.

Ví dụ lịch sử về mô hình Ponzi.
Người tạo ra vụ lừa đảo theo mô hình Ponzi cũng chính là “ông tổ” của phương pháp lừa đảo đa cấp này là chính Charles Ponzi. Vào đầu thế kỷ 20, Ponzi đã thực hiện một kế hoạch lừa đảo liên quan đến các phiếu giảm giá trả lời qua bưu điện. Sau cú lừa thế kỷ này, trong 2 năm, Ponzi đã lừa được hàng triệu nhà đầu tư, với tổng số tiền lên tới 15 triệu đô la.
Một trường hợp nổi tiếng khác là của Bernie Madoff, người dùng mô hình Ponzi một cách phức tạp và tinh vi để lửa nhà các nhà đầu tư nhẹ dạ cả tin. Vụ lừa đảo này bị phanh phui vào năm 2008, gây ra tổn thất tài chính đáng kể và làm mất lòng tin của một số lượng nhà đầu tư vào thời điểm bấy giờ.
Các thành phần cơ bản trong hệ thống Ponzi.
- Schemers (Người chủ mưu): Là người đầu tiên thiết lập ra hệ thống và kêu gọi các nhà đầu tư đóng góp vốn. Họ xây dựng thương hiệu cá nhân là những người thành đạt, có ảnh hưởng nhất định trong xã hội. Đám đông khi nghe họ thuyết trình sẽ rất dễ bị hướng đi theo chủ ý của họ.
- Investors: Là những nạn nhân bị lừa bởi các schemers. Sau khi bị “tẩy não”, họ sẵn sàng bỏ rất nhiều tiền vào hệ thống được vẽ ra, và ôm mộng có nhiều tiền từ những khoản lãi suất trên trời mà không cần làm gì. Họ cũng có thể đi chèo kéo người thân bạn bè tham gia vào hệ thống và nhận được những khoản hoa hồng.
- Ponzi Introducing Investors: Họ là những người chỉ bỏ ra rất ít hoặc thậm chí là không bỏ tiền vào hệ thống. Họ kiếm lợi nhuận từ việc giới thiệu được càng nhiều nhà đầu tư tham gia càng tốt. Số tiền hoa hồng mà các Schemers trả cho những môi giới này được trích ra từ chính khoản đầu tư của các nhà đầu tư mà họ chèo kéo được. .
Dấu hiệu nhận biết lừa đảo.
Mặc dù các mô hình Ponzi được tổ chức phức tạp, nhưng chúng thường để lại những dấu hiệu nhận biết. Các dấu hiệu cảnh báo bao gồm:
- Lợi nhuận được cam kết ổn định bất chấp biến động của thị trường.
- Mức lãi suất cao bất thường với rất ít hoặc không có rủi ro.
- Thiếu minh bạch về thông tin của thương vụ mà nhà đầu tư đang đổ tiền vào.
- Áp lực tuyển dụng nhà đầu tư mới liên tục được đưa ra cho các thành viên khi tham gia hệ thống.
- Khi đã tham gia vào hệ thống sẽ rất khó để rút lui, thậm chí bị đe dọa.
Hậu quả khi mô hình Ponzi sụp đổ.
Những người đặt niềm tin vào những mô hình lừa đảo này thường bị tổn thất tài chính nghiêm trọng. Nhiều nạn nhân mất tiền tiết kiệm cả đời và thậm chí cả nhà cửa.
Ngoài tổn thất về tài chính, nạn nhân của mô hình Ponzi còn phải chịu tổn thất về mặt đạo đức, danh dự khi họ đã bất chấp mà lôi kéo bạn bè, gia đình, họ hàng vào vòng xoáy lừa đảo.
Việc đưa hệ thống lừa đảo này ra pháp luật tốn rất nhiều thời gian và nguồn lực của xã hội, trong khi số tiền thiệt hại của các nạn nhân rất khó để thu hồi lại.
Các biện pháp phòng tránh bị lôi kéo vào mô hình Ponzi lừa đảo.
Mô hình lừa đảo ponzi được sử dụng thành công bởi nó đánh vào lòng tham cộng thêm sự thiếu hiểu biết của một bộ phận người dân. Không có bữa cơm nào miễn phí, không có đường tắt cho sự thành công. Sau đây là một số biện pháp mà mình cho là hữu ích để phòng tránh bị lôi kéo vào các mô hình lừa đảo:
- Trang bị kiến thức về tài chính, chiến lược đầu tư, hiểu về lợi ích và rủi ro.
- Tự cảnh giác và hạn chế lòng tham của bản thân.
- Tìm kiếm lời khuyên từ các chuyên gia có uy tín.
Trên đây là toàn bộ bài viết của mình về mô hình Ponzi. Nếu bạn có thắc mắc cần giải đáp hoặc muốn góp ý để bài viết hoàn thiện hơn thì có thể liên hệ mình hoặc để lại lời nhắn cho mình qua google form tại đây nhé.
Có thể bạn muốn đọc: