P/E là một chỉ số quan trọng các phương pháp định giá cổ phiếu quan trọng trong đầu tư chứng khoán. Bằng việc hiểu rõ chỉ số này, nhà đầu tư có thể tự mình tìm kiếm những cổ phiếu tiềm năng đang được định giá thấp hơn so với giá trị của chúng. Bài viết này nhằm trình bày tất cả những vấn đề xoay quanh P/E. Đồng thời, mình sẽ hướng dẫn cách áp dụng chỉ số này trong cách định giá cổ phiếu.
P/E là gì?
Theo cách viết nhanh, những cụm từ từ PE là gì? hay P E là gì? cũng có ý nghĩa tương tự.
P/E (tiếng Anh: Price to Earning Ratio) là chỉ số thể hiện mối quan hệ giữa giá thị trường của cổ phiếu (Price) và thu nhập được tạo ra trên mỗi cổ phiếu (EPS).
Công thức tính P/E = Giá thị trường của cổ phiếu (P) / Thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS).
Trong đó EPS là chỉ số thể hiện thu nhập trên mỗi cổ phiếu và được tính bằng cách lấy Lợi nhuận sau thuế / Số lượng cổ phiếu đang lưu hành.
Một công thức tính PE nhanh hơn khi bạn không phải mất công tính EPS trước. Đó là bạn lấy Vốn hóa / Lợi nhuận sau thuế của 1 năm hoặc 4 quý gần nhất (tùy theo mục đích sử dụng).
Ý nghĩa của hệ số này.
P/E được hiểu là sự sẵn sàng chấp nhận một mức giá cổ phiếu so với một đồng lợi nhuận mà cổ phiếu đó tạo ra (E=1 hay EPS=1 thì P = bao nhiêu).

Trong ảnh trên là một số thông tin về cổ phiếu DPG trên trang cafef.vn, chúng ta có thể thấy P/E của DPG là 8.66. Ở đây chúng ta sẽ hiểu là mọi người sẵn sàng chấp nhận bỏ ra 8.66 đồng để kỳ vọng nhận được 1 đồng lợi nhuận khi đầu tư vào cổ phiếu DPG.
Hệ số này càng cao thể hiện thị trường đang kỳ vọng cao về sự tăng trưởng thu nhập lớn hơn từ cổ phiếu đó trong tương lai. Khi xem xét một cổ phiếu, nếu PE của nó đã vượt qua một mốc xác định thì ta có thể hiểu rằng thị giá của cổ phiếu đó đang cao hơn so với những giá trị lợi nhuận mà công ty đó có thể tạo ra.
Còn nếu hệ số này thấp hơn mức tiêu chuẩn thì cổ phiếu đó được kỳ vọng là đang được định giá thấp và có tiềm năng tăng giá. Mốc P/E tiêu chuẩn được Benjamin sử dụng là 8.5, Katsenelson sử dụng là 8, … Điều này sẽ được trình bày rõ hơn trong phần tiếp theo.
Cách sử dụng chỉ số PE trong các phương pháp định giá cổ phiếu.
Về mặt học thuật, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ được xem là “lợi suất phi rủi ro” và được dùng làm tham chiếu cho thị trường cổ phiếu. Ở Việt Nam cũng tương tự, lãi suất huy động của 4 ngân hàng quốc doanh lớn được xem là lợi suất phi rủi ro. Dùng mức lợi suất đó + biên độ 5 – 6% (đây là phần lợi suất chúng ta kỳ vọng nhận được).
Trên cơ sở này, ta có thể suy ra định giá của cổ phiếu trên thị trường hiện nay chắc vào tầm 11%, nghịch đảo ta có PE = 9. Những công ty đầu ngành thì có thể chấp nhận mức 10. Những công ty thuộc nhóm ngành mang tính chu kỳ như Bất động sản thì có thể để hệ số này = 8.

Những mã cổ phiếu có mức P/E khoảng bằng 9 (dựa trên mức lãi suất tiết kiệm 6%/năm + biên độ) được xem là đúng giá. Mức này được rút ra theo thống kê và sẽ thay đổi tùy theo rủi ro vĩ mô của từng giai đoạn. Nhiệm vụ của chúng ta là tìm những mã cổ phiếu có P/E thấp hơn mức tiêu chuẩn đó, tức là đang được định giá rẻ và có tiềm năng tăng giá trong tương lai.
Tuy nhiên chỉ số P/E chỉ là một trong những yếu tố để chúng ta có thể nhìn nhận được một cổ phiếu tiềm năng. Việc đánh giá tình hình hoạt động kinh doanh dựa trên các văn bản quan trọng như Báo cáo thường niên, Báo cáo tài chính, … là công việc tiếp theo để xem liệu công ty có đang được định giá thấp hay không.
Mình gợi ý một số tiêu chí để tìm hiểu sâu hơn về công ty:
- Xem xét việc đặt mục tiêu LNST và thực tế thực hiện như thế nào trong những năm quá khứ
- Việc trả cổ tức cho cổ đông như thế nào. Điều này thể hiện lãnh đạo công ty có tôn trọng lợi ích của cổ đông hay không?
- Xem xét ngành nghề của công ty có tiềm năng trong bối cảnh vĩ mô hay không?
- Đánh giá nội tại của công ty đang hoạt động kinh doanh như thế nào?
- Xem xét Ban lãnh đạo của công ty, cổ đông lớn, công ty con.
- Chiến lược kinh doanh trong thời gian tới, xem xét liệu công ty có đạt được mức lợi nhuận kỳ vọng đã đặt ra hay không?
- Đánh giá sự cân đối và sức khỏe tài chính của công ty thông qua báo cáo tài chính
Trên đây là bài viết mô tả về chỉ số P/E và cách sử dụng nó trong cách tính giá cổ phiếu. Hi vọng nó sẽ hữu ích cho bạn khi tham gia đầu tư trên thị trường chứng khoán. Mọi thắc mắc có thể liên hệ mình hoặc để lại hoặc để lại lời nhắn qua google form tại đây.
Bài viết liên quan:
Bài viết có thể bạn muốn đọc: