Khái niệm tỷ suất vòng quay chứng khoán ra đời để đo lường tính thanh khoản của một mã cổ phiếu.
Đối với số lượng tự do chuyển nhượng của một cổ phiếu, thì chỉ có một lượng cổ phiếu nhỏ hơn tham gia vào việc giao dịch hằng ngày (liên quan đến tỷ lệ free-float). Nếu phần cổ phiếu “năng động” nhất này quá nhỏ so với số lượng cổ phiếu tự do chuyển nhượng, thì rõ ràng tính thị trường của mã cổ phiếu đó sẽ không cao. Tính thanh khoản của cổ phiếu đó cũng giảm đi đáng kể.
Khái niệm
Đối với 1 mã cổ phiếu cụ thể, sẽ có một phần cổ phiếu được tự do chuyển nhượng chứ không phải toàn bộ. Tuy nhiên lại cũng chỉ có một phần số lượng cổ phiếu nhỏ hơn nữa tham gia vào hoạt động giao dịch hằng ngày. Bởi có một số người đầu tư một vài năm chẳng hạn, thì đương nhiên là không có giao dịch gì.
Nếu tỷ lệ giữa phần số lượng cổ phiếu năng động nhất và số lượng cổ phiếu tự do chuyển nhượng quá nhỏ thì tính thị trường của cổ phiếu đó được xem là yếu. Giá cổ phiếu sẽ dễ dàng bị thao túng, dẫn đến không phản ánh đúng giá trị của nó.
Để đo lường định lượng vấn đề này, người ta dùng đến khái niệm tỷ suất vòng quay chứng khoán.
Tỷ suất vòng quay chứng khoán được hiểu là tốc độ quay vòng giao dịch của một lượng cổ phiếu. Lượng cổ phiếu này chính là phần số lượng cổ phiếu năng động nhất, tối thiểu bằng 0 và tối đa bằng với số lượng cổ phiếu tự do chuyển nhượng.
Công thức tính tỷ suất vòng quay chứng khoán.
Tỷ suất vòng quay chứng khoán = Giá trị giao dịch bình quân hằng ngày / Vốn hóa điều chỉnh theo tỷ lệ free-float bình quân hằng ngày.

Ví dụ minh họa:
Cổ phiếu AGG với tỷ lệ free-float 25%.
Khoảng thời gian khảo sát: 1/1/2022 – 30/6/2022.
Tôi có thống kê qua bảng giá FPTS bằng excel và chụp lại phần thông tin cần thiết.

Số phiên giao dịch trong nửa năm là 120 phiên.
Giá trị bình quân theo ngày là 27,507,858 ngàn đồng.
Vốn hóa điều chỉnh theo tỷ lệ free-float bình quân theo ngày là 1,121,718,404 ngàn đồng.
Tỷ suất vòng quay chứng khoán = 27,507,858 / 1,121,718,404 = 2.452%.
Ứng dụng của tỷ suất vòng quay chứng khoán.
Nếu tỷ suất vòng quay chứng khoán này quá nhỏ thì giá cổ phiếu đó càng dễ bị thao túng. Để đảm bảo an toàn trước rủi ro mất thanh khoản, nhà đầu tư nên mua/bán những mã cổ phiếu có tỷ suất vòng quay lớn hơn 5%.
Nếu ở vị thế là một nhà đầu tư có số vốn lớn. Khi lựa chọn một mã cổ phiếu để mua thì tỷ suất vòng quay càng nên được xem xét kỹ càng. Tốt nhất là nên giao dịch với số tiền < 10% so với tổng giá trị giao dịch trong 1 ngày. Nguyên tắc đó sẽ giúp bạn chủ động hơn trước biến động của thị trường.
Quy định về tỷ suất vòng quay chứng khoán khi xét chọn cổ phiếu vào rổ chỉ số.
Theo quy định của sở Giao dịch TP Hồ Chí Minh, các cổ phiếu được xem xét đưa vào các rổ chỉ số như VN30, VN100, … thì phải có tỷ suất vòng quay chứng khoán tối thiểu bằng 0.05%. Quy định này để hạn chế việc thao túng giá cổ phiếu làm sai lệch tính thị trường của rổ chỉ số.
Trên đây là toàn bộ bài viết của tôi về các vấn đề xung quanh hệ số tỷ suất vòng quay chứng khoán. Nếu bạn có vấn đề nào cần giải đáp thì có thể liên hệ trực tiếp hoặc để lại lời nhắn qua google form tại đây.