Khi chúng ta phân tích báo cáo tài chính, báo cáo thường niên hay đơn giản là đọc các tin tức về ngành ngân hàng, chúng ta sẽ bắt gặp các thuật ngữ rất đặc trưng của ngành. NIM là một trong số đó. Bài viết này sẽ trình bày các vấn đề liên quan đến hệ số NIM và hướng dẫn cách đọc hệ số này khi phân tích cổ phiếu ngành ngân hàng.
NIM là gì?.
Khái niệm.
NIM là từ viết tắt của cụm từ tiếng Anh: Net Interest Margin. Hệ số này được hiểu là biên lãi ròng của ngân hàng hoặc các tổ chức tín dụng khi dùng tiền gửi của khách hàng vào hoạt động kinh doanh. Giá trị của hệ số này càng cao thì chứng tỏ hiệu quả sử dụng vốn của tổ chức càng tốt.
Công thức tính.
NIM = (Thu nhập lãi thuần / Tài sản sinh lời bình quân) * 100%
Trong đó:
Thu nhập lãi thuần = Thu nhập lãi và các khoản thu nhập tương tự – Chi phí lãi và các chi phí tương tự. Bạn có thể tìm thấy số liệu này trong các Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh.
Tổng tài sản sinh lời bình quân = Tiền gửi ở NHNN + Tiền gửi ở các TCTD khác + Chứng khoán đầu tư + Chứng khoán kinh doanh + Cho vay khách hàng + Mua nợ. Lưu ý: Chúng ta lấy giá trị chưa bao gồm trích lập dự phòng, và là giá trị bình quân của 2 năm liên tiếp.
Thường thì khoản tiền gửi ở tổ chức tín dụng khác và mua bán nợ ta có thể bỏ qua bởi mức sinh lời không đáng kể.
Hiểu NIM thế nào cho đúng?.
Đa số các nhà đầu tư sẽ đánh giá cao ngân hàng nào có hệ số NIM dương thay vì âm. Khi có giá trị dương, thu nhập từ các khoản cho vay cao hơn chi phí trả tiền gửi tiết kiệm, ngân hàng có khả năng sinh lời tốt hơn. Nếu hệ số này có giá trị âm, tiền trả lãi tiết kiệm cao hơn khoản lời từ cho vay.
NIM phản ánh khả năng sử dụng vốn của các ngân hàng. Bởi vậy, hệ số này càng lớn thì ngân hàng đó:
- Có khả năng sinh lời hiệu quả do quản trị vốn tốt.
- Vị thế tốt hơn trong ngành (có thể huy động tiền với chi phí thấp hơn và cho vay với lãi suất cao hơn).
- Hệ thống nhân sự chất lượng.
- Khả năng vận dụng linh hoạt các chính sách tiền tệ của SBV trong từng thời kỳ.
Giá trị của Biên lãi ròng cao hay thấp còn phụ thuộc vào cấu trúc sản phẩm và chiến lược phát triển của các ngân hàng trong từng thời kỳ. Các bạn cần kết hợp với các hệ số khác để có góc nhìn toàn cảnh hơn về ngân hàng bạn đang tìm hiểu nhé.
Ví dụ về cách tính Biên lãi ròng.
Tôi sẽ chọn ngân hàng An Bình (mã chứng khoán ABB). Bạn có thể tra cứu thông tin của ngân hàng này tại cafef.vn.
Trong BCTC hợp nhất năm 2021 ta có:
Thu nhập lãi thuần của ABB năm 2021 là 3,064 ngàn tỷ.

Tổng tài sản sinh lời năm 2021 = 4,400 + 21,402 + 4,875 + 68,173 + 17,011 = 115,861 ngàn tỷ.
Tổng tài sản sinh lời năm 2020 = 996 + 28,459 + 2,001 + 62,588 + 16,685 = 110,729 ngàn tỷ.
Giá trị bình quân = 113,295 ngàn tỷ.

Ta có NIM của ABB năm 2021 = (3,064 / 113,295) x 100 = 2.7 %.
Trên đây là toàn bộ bài viết của tôi về các vấn đề xung quanh hệ số NIM. Nếu bạn có vấn đề nào cần giải đáp thì có thể liên hệ trực tiếp hoặc để lại lời nhắn cho mình qua google form tại đây nhé.
Có thể bạn muốn đọc: