Ngân hàng nhà nước Việt Nam (SBV – The State Bank of Vietnam) là tổ chức có trọng trách điều hành chính sách tiền tệ trong nước. Mục tiêu của SBV là giữ cho lãi suất thị trường liên ngân hàng dao động trong một vùng cố định, với trần là lãi suất OMO và lãi suất chiết khấu, sàn là lãi suất tín phiếu và tiền gửi dự trữ. Bài viết này sẽ trình bày về 5 loại lãi suất điều hành mà SBV sử dụng.
Lãi suất OMO.
OMO là viết tắt của từ tiếng Anh Open Market Operation – Nghiệp vụ thị trường mở.
Đây là các nghiệp vụ của các Ngân hàng trung ương nhằm kiểm soát cung tiền bằng cách mua bán các giấy tờ có giá do chính phủ phát hành. OMO là công cụ lãi suất điều hành quan trọng nhất trong chính sách tiền tệ.
Trong trường hợp thanh khoản của toàn hệ thống xuống mức thấp, Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện các Repo (Repurchase agreement – Mua sau đó bán lại) các giấy tờ có giá từ hệ thống ngân hàng thương mại. Qua đó bơm một lượng tiền ra hệ thống nhằm tăng thanh khoản. Tuy nhiên, đây được xem là biện pháp tình thế. Bởi nghiệp vụ Repo buộc các ngân hàng thương mại phải mua lại các giấy tờ có giá mà SBV mua trước đó. Qua đó một lượng tiền lại được SBV hút khỏi hệ thống.
Lãi suất tín phiếu.
Ở chiều ngược lại khi nhận thấy thanh khoản từ hệ thống NHTM đang có dấu hiệu dư thừa thì SBV có thể hút ngược trở lại tiền từ hệ thống bằng cách chào bán outright (mua đứt bán đoạn) tín phiếu kho bạc kỳ hạn ngắn. Vì đây là mức lãi suất mà NHNN “đi vay” các NHTM trên thị trường mở nên lãi suất tín phiếu có thể được xem là mức lãi suất “sàn mềm” khi xác định vùng lãi suất liên ngân hàng mục tiêu.
Lãi suất tái chiết khấu.
Ngân hàng nhà nước sử dụng đến công cụ lãi suất tái chiết khấu khi các Ngân hàng thương mại không có khả năng tiếp cận thị trường mở. Cơ chế của công cụ lãi suất điều hành này là các NHTM mang giấy tờ có giá đến thế chấp tại “cửa sổ chiết khấu” của NHNN.
Lãi suất tái chiết khấu là công cụ sau cùng để cung cấp thanh khoản cho hệ thống NHTM khi không còn biện pháp nào khả dụng. Nó được đánh giá là một công cụ lãi suất điều hành hiệu quả vì tiền được cung cấp “đúng nơi đúng chỗ và đúng người cần”.
Chính sách cho vay tái chiết khấu cũng là một cách để NHNN khuyến khích các Ngân hàng thương mại nắm giữ một số giấy tờ có giá nhất định có thể mang đi cầm cố khi cần. Cùng với lãi suất OMO, lãi suất chiết khấu cũng là một lãi suất trần “mềm” trong vùng mục tiêu của lãi suất liên ngân hàng.
Lãi suất tái cấp vốn.
Vào thời điểm các Ngân hàng thương mại không còn dự trữ giấy tờ có giá thì kênh cửa sổ chiết khấu lẫn kênh OMO đều không còn tác dụng nữa. Các Ngân hàng thương mại buộc phải sử dụng biện pháp vay tái cấp vốn từ SBV. Đây là loại lãi suất điều hành mang tính chất “phạt” của SBV.

Hình thức vay này cũng có nét tương đồng với hình thức vay chiết khấu. Nhưng thay vì lấy các giấy tờ có giá làm tài sản đảm bảo thì các Ngân hàng thương mại có thể dùng các hồ sơ tín dụng chất lượng cao (thông thường là hồ sơ tín dụng của các tổ chức hạng A). Tác động của nghiệp vụ này cũng tương tự lãi suất chiết khấu, là cung cấp thanh khoản cho hệ thống để hạ nhiệt lãi suất hệ thống liên ngân hàng.
Khi phải dùng đến kênh này thì các Ngân hàng thương mại thường ở trong tình trạng cạn kiệt cả thanh khoản lẫn dự trữ các giấy tờ có giá. Ngân hàng nhà nước sẽ không khuyến khích tình trạng này. Bởi vậy lãi suất tái cấp vốn là mức lãi suất cao nhất trong hệ thống công cụ lãi suất điều hành.
Lãi suất dự trữ.
Theo luật quy định, các Ngân hàng thương mại phải trích lập một phần tiền gửi của khách hàng và gửi tại Ngân hàng nhà nước trước khi dùng số tiền đó để cho vay. Quy định này nhằm đảm bảo sự an toàn cho hệ thống ngân hàng.
Phần dự trữ bắt buộc mà các Ngân hàng thương mại gửi tại Ngân hàng nhà nước sẽ được trả lãi. Nếu phần dự trữ vượt mức quy định thì phần vượt sẽ được hưởng mức lãi suất khác. Mức lãi suất trả cho phần dự trữ / vượt dự trữ này trở thành một công cụ lãi suất điều hành của SBV.
Nếu Ngân hàng nhà nước muốn điều tiết cung tiền thì chỉ cần nâng hoặc hạ lãi suất dự trữ. Khi nâng lãi suất dự trữ, đồng nghĩa rằng SBV đang khuyến khích các Ngân hàng thương mại gửi tiền dự trữ nhiều hơn (hút tiền). Khi giảm lãi suất dự trữ, các Ngân hàng thương mại sẽ hạn chế để tiền tại Ngân hàng nhà nước, từ đó sẽ tăng cung tiền và kích thích tín dụng.
Trên đây là toàn bộ bài viết trình bày về vẫn đề lãi suất điều hành của NHNN. Nếu các bạn cần giải đáp vui lòng liên hệ trực tiếp hoặc để lại lời nhắn cho mình qua google form tại đây nhé.
Có thể bạn muốn đọc: